Bình tĩnh, chắt lọc, chia sẻ thông tin có trách nhiệm

Thứ Năm, 22/07/2021 15:22

|

(CAO) Ngày 20/7/2021, một số phương tiện truyền thông phản ánh thông tin về trường hợp “tiêm vaccine phòng Covid-19 không cần đăng ký, không đúng đối tượng”. Thông tin này ngay lập tức đã bị các phần tử cơ hội, phản động, các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.

Cô gái trẻ lên mạng xã hội khoe được tiêm vaccine mà không cần đăng ký.

Trước sự việc trên, ngay trong ngày 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, làm rõ, nếu thông tin chính xác phải chấn chỉnh, xử lý theo quy định và rút kinh nghiệm ngay, dứt khoát không để tái diễn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu phân bổ vaccine theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo, thực hiện chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả, mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine, ưu tiên các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Chấn chỉnh ngay và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) trong quá trình phân bổ và tổ chức tiêm vaccine.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trong ngày 20/7, Bộ Y tế đã chỉ đạo Thanh tra Bộ yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô báo cáo, giải trình cụ thể, chi tiết về vụ việc báo chí nêu. Báo cáo giải trình của Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô gửi về Thanh tra Bộ trước 10 giờ ngày 21/7/2021. Cũng trong ngày 20/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo kiểm tra thông tin liên quan việc tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Xanh Pôn; khẩn trương giải trình cụ thể các thông tin trên, báo cáo về Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội trước 12 giờ ngày 21/7 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo UBND Thành phố.

Trên thực tế, ngày 21/2/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine xin phòng Covid-19. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn. Cơ chế mua vaccine thực hiện mua sắm trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

16 đối tượng tiêm chủng ưu tiên theo Quyết định số 3355/QD-BYT của Bộ Y tế

Ngày 16/7, Bộ Y tế đã có Công văn số 5683/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các đơn vị trực thuộc Bộ về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố và các đơn vị, sau hơn 4 tháng triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, cả nước đã tiêm được 4.156.140 liều. Trong đó, có 3.556.332 người đã được tiêm 1 liều vaccine và 299.904 người tiêm đủ 2 liều.

Trước đó, ngày 08/7, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3355/QD-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 năm 2021-2022, trong đó đã bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyển đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Để bảo đảm sử dụng vaccine an toàn và hiệu quả, hỗ trợ các đơn vị tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế thực hiện việc lập kế hoạch chi tiết để triển khai tiêm chủng cho các đối tượng theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế với nhiều loại vaccine khác nhau, ưu tiên tiêm chủng sớm cho các đối tượng được huy động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 3355 của Bộ Y tế và văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế để sắp xếp ưu tiên tiêm cho các đối tượng, bao gồm đối tượng là người nước ngoài trên địa bàn nếu thuộc đối tượng ưu tiên; đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm chủng và thực hiện báo cáo theo quy định.

Mới đây nhất, Chính phủ đã công khai số lượng phân bổ số lượng vaccine đã mua cho các địa phương, trong đó cao nhất là TPHCM với 800.000 liều.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lần này là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đã được phát động, kéo dài từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Một trong những điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề cập là đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong cả quy trình tiêm chủng.

Theo đó, người dân từ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký tiêm phòng vaccine Covid-19 cho cá nhân qua Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm vaccine online cũng như việc tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”.

Bộ trưởng khẳng định: Bằng phương pháp này, từ đăng ký tiêm chủng, khám sàng lọc, đến tổ chức triển khai tại các điểm tiêm chủng, chúng ta có thể theo dõi thực bao nhiêu người đăng ký tiêm chủng; từng liều vaccine được chuyển đến các điểm tiêm; tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm, bao nhiêu liều vaccine còn lại.

Cách đăng ký, thao tác qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để đăng ký và kiểm tra tiêm chủng.

Vì vậy, sự việc trên, người dân cần nhìn nhận ở 2 góc độ: Một là, chủ trương của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, số lượng ca nhiễm của các địa phương trên cả nước để quyết định số lượng phân bổ nhưng khi triển khai đến cấp dưới do hiểu chưa đúng nên một số ít địa phương làm sai. Hai là, thông tin này có thể do các thế lực thù địch xuyên tạc hoặc một số cơ quan báo chí đăng tin thiếu tính kiểm chứng.

Dù nhìn nhận ở gốc độ nào thì chúng ta đều hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, lãnh đạo địa phương trong thời gian qua đã dốc hết sức vào triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện trong phân bổ chỉ tiêu vaccine cho các địa phương trên cả nước; thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các biện pháp để ngăn chặn dịch, sớm đưa cuộc sống của Nhân dân ổn định, trở lại trạng thái bình thường mới. Nếu có sai sót, Chính phủ sẽ kịp thời điều chỉnh, ai sai sẽ bị nghiêm trị thích đáng theo quy định của pháp luật, những bản án, quyết định thi hành kỷ luật “không có vùng cấm” với cán bộ các cấp trong thời gian qua đã giúp Nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật nước nhà.

Vì vậy, trước mọi thông tin trên mạng xã hội, người dân cần bình tĩnh, sáng suốt chắt lọc thông tin, chia sẻ, bình luận thông tin có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, chung tay xây dựng môi trường mạng xã hội sạch, đẹp, nhân văn, hiện đại. Chung sức, đồng lòng cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19.

Bình luận (0)

Lên đầu trang