Các tầng lớp xã hội cùng chăm lo người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Thứ Năm, 19/08/2021 22:35

|

Vừa qua, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức lễ phát động phong trào “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19” và ra mắt Trung tâm Tiếp nhận, Hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi đã kêu gọi toàn thể nhân dân Thành phố cùng siết chặt tay, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Đồng thời, đồng chí đã phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh xã hội, giúp người nghèo, người neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và những người khó khăn bảo đảm cuộc sống cơ bản cho đến khi Thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới. 

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải thăm hỏi, động viên và trao quà cho người dân.

Chỉ đạo đó của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thể hiện một quan điểm tích cực, đúng đắn và phù hợp với thực tế về tinh thần tương thân tương ái của nhân dân ta nói chung và sự sẻ chia của người dân Thành phố nói riêng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Điều đó không có nghĩa là bỏ qua hoặc xem nhẹ vai trò tổ chức, định hướng, chăm lo cho nhân dân của chính quyền các cấp mà chính là đề cao vai trò đồng hành của tất cả người dân, doanh nghiệp, tổ chức… trong công tác này, càng không phải là sự “trút gánh” của hệ thống chính trị mà giao lại cho người dân tự quan tâm, giúp đỡ cho nhau.

Trong những ngày vừa qua, có một số ý kiến cho rằng khi kêu gọi “lấy sức dân chăm lo cho dân” thì vai trò của Đảng, của chính quyền ở đâu, từ đó bài bác quan điểm này, phê phán sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo thành phố trong công tác phòng chống dịch, đồng thời ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung. Đó là những ý kiến lệch lạc, phiến diện và mang nặng thành kiến, nhưng có thể ít nhiều dẫn dắt suy nghĩ của một số người nhẹ dạ để đi đến nhận thức sai trái về vai trò và nỗ lực của chính quyền các cấp trong công tác phòng chống dịch.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu động viên và tặng quà cho công nhân, lao động tự do tại Khu phố 5, Phường 9, Quận 5.

Mọi người đều biết rằng dân tộc ta có truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết, chia sẻ nhau. Là đất nước từng chịu nhiều thiên tai, địch họa, nhân dân ta dù trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện sự gắn bó, giúp đỡ nhau về vượt qua mọi khó khăn. “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Nhiều no lòng, ít mát ruột”… là những đúc kết sâu sắc về tinh thần đó của nhân dân ta, từ ngàn đời nay.

Ngay tại TPHCM, trước giờ có nhiều hoạt động, nhiều phong trào đã thể hiện rõ tinh thần chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của người dân với nhau. Trong đó, phong trào “xóa đói giảm nghèo” trước đây, rồi “giảm hộ nghèo tăng hộ khá”, bây giờ là “giảm nghèo bền vững” đều có sự chung sức của cả hệ thống chính trị, đồng thời phát huy được sức dân để chăm lo cho dân. Chính người dân trong cộng đồng với nhau nên thường hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, từ đó có các biện pháp chia sẻ, giúp đỡ kịp thời, phù hợp và thiết thực.

Việc tiếp nối truyền thống quý báu đó trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn. Trên thực tế, trong các đợt dịch vừa qua, sự đồng hành của các tổ chức và người dân với chính quyền trong việc chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, như người bị mất thu nhập, người trong khu cách ly, khu phong tỏa, người nhiễm bệnh và gia đình…, mang tính nhân văn sâu sắc, càng thể hiện yếu tố nghĩa tình của thành phố mang tên Bác Hồ.

Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình chính sách Phan Thị Nên.

Việc phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” không có nghĩa là chính quyền nói riêng và hệ thống chính trị nói chung đứng bên ngoài việc hỗ trợ mà đó là tiếp tục phát huy sự đồng hành của các tầng lớp xã hội cùng chăm lo cho những người bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của Đảng, chính quyền và các đoàn thể đều đã nỗ lực đóng góp sức người sức của để cùng hỗ trợ cho người dân.

Chẳng hạn, cán bộ công chức, viên chức đã đóng góp quỹ vaccine ngừa Covid-19, đã trực tiếp tình nguyện tham gia các công tác chăm lo cho người dân từ cấp thành phố đến cơ sở; mới đây nhiều tổ chức đảng đã vận động đóng góp kinh phí và quà để tặng người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Thành phố cũng đã có chủ trương giảm 50% thu nhập tăng thêm để ủng hộ người dân (năm 2020 cũng đã thực hiện biện pháp này).

Không chỉ vậy, từ nhiều tháng nay, đội ngũ y bác sĩ, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức ở cơ sở… đã ngày đêm xông pha với cuộc chiến chống dịch, người ở tuyến đầu, người ở hậu phương, mỗi người đóng một vai trò riêng để chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ người đang bị cách ly, phong tỏa, chăm lo người bị ảnh hưởng bởi dịch. Những người trực tiếp làm việc ở bệnh viện hay đóng ở chốt gác dường như dễ thấy nhưng còn nhiều người đang làm việc một cách âm thầm mà không kém phần ý nghĩa.

Chẳng hạn, mỗi khi có một chuyến hàng của các nhà hảo tâm chuyển đến thì chính công chức ở phường, hội viên của các đoàn thể, cán bộ khu phố, tổ dân phố… vừa phân loại, đóng gói vừa trực tiếp vận chuyển để trao tận tay cho người dân hoặc dùng đó làm nguyên liệu để chiến biến thành các suất ăn để chăm lo lực lượng tuyến đầu, cho người đang điều trị, người đang bị cách ly...

Hay mỗi đợt tiến hành chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch thì cũng các lực lượng đó thực hiện việc lấy danh sách, tiến hành xác minh và trực tiếp chi trả, nhiều trường hợp đến tận nhà của người dân. Vậy có phải Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên không làm gì giúp dân vượt qua dịch bệnh?

Bình luận (0)

Lên đầu trang