Covid-19 làm ảnh hưởng thói quen sinh hoạt của 4,4 triệu trẻ em

Thứ Hai, 18/10/2021 21:58

|

(CAO) Trong khi nhiều gia đình không có điều kiện mua thiết bị cho con em học trực tuyến, lại có nhiều phụ huynh lo ngại con trở lại trường ở những nơi từng được trưng tập làm khu cách ly bệnh nhân Covid-19.

Tâm tư trên được đề cập đến trong báo cáo giám sát của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục đối với các Uỷ ban lĩnh vực phụ trách.

Báo cáo cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến từng cấp học, trình độ đào tạo. Cụ thể, ở bậc giáo dục mầm non, việc bị gián đoạn trong thời gian dài ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4,4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị phát triển, địa phương có khu công nghiệp.

Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo chương trình bị hạn chế, gây khó khăn cho trẻ khi bước vào lớp 1.

Các em bé theo người lớn đi cách ly do Covid-19

“Việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến rất khó thực hiện trong thực tế, chưa đảm bảo công bằng trong tiếp cận với trẻ em, nhất là trẻ em 5 tuổi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…” - báo cáo nhận định.

Thực tế cho thấy, hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. Còn đối với học sinh cấp tiểu học, nhất là khối lớp đầu cấp và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.

“Nhiều gia đình không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị học tập cho con em; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên và việc giám sát, hỗ trợ con em học trực tuyến của cha mẹ học sinh nhìn chung còn hạn chế” - Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục phản ánh.

Phương thức dạy học qua truyền hình tuy được đánh giá là phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng theo Uỷ ban, lại hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.

Với hệ giáo dục nghề nghiệp, chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng do thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thể thực hiện theo kế hoạch, nhất là đối với các chương trình chuyển giao đào tạo nghề chất lượng cao đang thí điểm thực hiện.

“Hình thức đào tạo trực tuyến chỉ phù hợp với nội dung môn học lý thuyết, không thể thực hiện đối với các nội dung thực hành kỹ năng nghề vốn là yêu cầu chính trong chương trình đào tạo của giáo dục nghề nghiệp” – báo cáo nêu.

Tương tự, hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và công tác tài chính của cơ sở giáo dục đại học cũng gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, dịch bệnh làm bộc lộ rõ những điểm yếu, thiếu tính bền vững trong mô hình, cơ cấu tài chính của các cơ sở giáo dục đại học.

“Nguồn thu sự nghiệp từ học phí của các trường chưa thực hiện được, thu dịch vụ từ các nguồn khác đều giảm sút trong khi các khoản chi khác vẫn phải bảo đảm” - báo cáo phân tích.

Đánh giá về những tác động tâm lý mà dịch bệnh gây ra, Uỷ ban Văn hoá – Giáo cho rằng, việc chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang các hình thức khác đã gây tâm lý băn khoăn, lúng túng trong thực hiện, nhất là với giáo viên lớn tuổi, ở vùng khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo.

Đối với học sinh, sinh viên, việc phải nghỉ học kéo dài khiến một bộ phận các em có dấu hiệu bê trễ trong học tập. Với học sinh cuối cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến khiến nề nếp, ý thức học tập của một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng do tính tự giác chưa cao.

Với cha mẹ học sinh, báo cáo cho biết, việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức hoạt động giáo dục ở nhà chưa được các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện.

“41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến”, theo báo cáo.

Trong khi nhiều gia đình không có điều kiện để mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến thì có nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng khi cho con em nhập học trở lại tại các trường học được trưng tập làm cơ sở cách ly.

Theo số liệu được công bố, từ 13/8/2021 đến nay, đã có 3.725 giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm Covid-19. Trong số này có 2.993 học sinh, 732 cán bộ, giáo viên, nhân viên. TPHCM có số nhiễm cao nhất với 2.398 học sinh và 661 giáo viên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang