Đề nghị tăng một số thẩm quyền cho lực lượng công an xã

Thứ Tư, 20/10/2021 14:51

|

(CAO) Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS) trong phiên họp chiều 20-10, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề nghị tăng một số thẩm quyền cho lực lượng công an xã.

Tờ trình nêu rõ, với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, hiện lực lượng Công an xã (đã được tổ chức chính quy về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm…) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí

Đặc biệt, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Từ những lý do trên, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) trong Bộ luật TTHS.

“Điều này là cần thiết để tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 từ địa bàn cấp cơ sở” - Viện trưởng Trí nhấn mạnh tính cấp thiết.

Phân tích kỹ hơn trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, Viện KSNDTC khẳng định, nếu vẫn giữ nguyên quy định về trách nhiệm của Công an xã như hiện nay (Công an xã không được tiến hành “kiểm tra, xác minh sơ bộ” khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm trước khi chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền) là không còn phù hợp.

“Có thời điểm số lượng tố giác, tin báo về tội phạm do Công an xã tiếp nhận nhiều, nếu sau khi tiếp nhận, ghi lời khai ban đầu và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì có thể dẫn đến việc phân loại chưa thực sự chính xác hoặc không kịp thời phân loại, giải quyết ngay từ cơ sở những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay” - báo cáo chỉ ra và cho rằng như vậy không giảm tải công việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

Thực tế, thời gian qua, công an xã đã được chính quy hoá, nên theo Viện KSNDTC, không bổ sung chức năng trên cho lực lượng này sẽ không phát huy được vai trò Công an xã chính quy.

“Đối với các xã địa bàn miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cơ quan điều tra sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh vì các tố giác, tin báo về tội phạm chưa được kiểm tra, xác minh sơ bộ, nhiều dấu vết tội phạm có thể không còn” – Viện KSNDTC nêu.

Vì lẽ đó, cơ quan này đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 Bộ luật TTHS theo hướng quy định: “Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Qua thẩm tra, các thành viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ sự tán thành chủ trương trên. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thông tin, quy định tại khoản 3 Điều 146 BLTTHS phân biệt trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khác với trách nhiệm của Công an xã do tại thời điểm xây dựng BLTTHS năm 2015, Công an xã chưa được bố trí chính quy như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an.

Tuy nhiên, trên cơ sở quy định mới của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã giống như Công an phường, thị trấn, Đồn công an là phù hợp và cần thiết. Tính đến 19/8/2021, Bộ Công an đã bố trí 43.188 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở tất cả 8.326 xã trên cả nước.

Ngoài ra, xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của Công an xã chính quy và căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay, bà Nga nhấn mạnh, việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.

Báo cáo số 1038/BC-BCA ngày 2/9/2021 của Bộ Công an về tổng kết thi hành trách nhiệm của Công an xã theo quy định của BLTTHS cho thấy, đến ngày 19/8/2021, trung bình mỗi xã có 3,7 cán bộ, chiến sĩ từng được bổ nhiệm chức danh Điều tra viên, cán bộ điều tra, đào tạo nghiệp vụ điều tra, từng làm công tác tại phòng, đội có thẩm quyền điều tra, từng đảm nhiệm chức danh Trinh sát viên...

Đề cập đến thời điểm sửa đổi, bổ sung quy định trên, bà Nga cho biết, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 của BLTTHS ngay trong lần sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn do tình hình diễn biễn phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phát huy nguồn lực của Công an xã để kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Việc sửa đổi, bổ sung ngay, theo Uỷ ban Tư pháp, sẽ  giúp giảm tải cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ xuống cấp xã. Hiện lực lượng Công an cấp huyện đã điều chuyển 15.426 người xuống Công an xã chính quy, chiếm tỷ lệ 36,92% tổng số Công an xã chính quy.

Ngoại giao vắc-xin là bước đột phá trong phòng chống dịch
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang