Đối với hành khách đi tàu hoả
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định 1839 vào tối 20/10 hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 21/10/2021.
Theo hướng dẫn mới, việc phân loại, phạm vi đánh giá cấp độ dịch thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Cụ thể, phân loại cấp độ dịch như cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch đánh giá từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.
Quyết định cũng nhấn mạnh việc xét nghiệm sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); Không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh COVID-19, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định điều kiện hành khách được quy định theo các cấp độ dịch.
Cụ thể, đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4 phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.
Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 3 cần thực hiện xét nghiệm Covid-19 khi có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3.
Với hành khách đi từ các địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 1, cấp 2, thực hiện theo các quy định phòng dịch chung đối với tất cả các hành khách là tuân thủ “Thông điệp 5K”; Khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế; kê khai thông tin, hoàn thành bản cam kết tại ga xuất phát.
Hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định, hành khách đi tàu đến từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4 được bố trí vận chuyển bằng toa xe riêng. Khi xuống tàu, ra ga phải có lối đi riêng hoặc tách nhóm với hành khách đi tàu từ địa phương/khu vực có nguy cơ thấp hơn để hạn chế tiếp xúc.
Kết thúc chuyến đi, hành khách xuống tàu phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên phục vụ trên tàu; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; tự theo dõi sức khỏe hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương...
Về phương án chạy tàu từ ngày 21/10, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải quy định trên tuyến Hà Nội-TPHCM chạy tối đa không quá 4 đôi tàu/ngày đêm từ Hà Nội đi TPHCM.
Trên khu đoạn Hà Nội-Vinh chạy 1 đôi tàu/ ngày đêm; khu đoạn Sài Gòn-Đà Nẵng chạy 1 đôi tàu/ngày đêm; tuyến Hà Nội-Hải Phòng chạy tối đa 3 đôi tàu/ngày đêm.
Các ga được phép đón, trả khách trên tuyến Hà Nội-TPHCM gồm 38 ga; tuyến Hà Nội-Hải Phòng 7 ga.
Đối với hành khách đi máy bay
Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải vào tối ngày 20/10, từ ngày 21/10-30/11/2021, đường bay Hà Nội-TPHCM, Hà Nội-Đà Nẵng, TPHCM-Đà Nẵng và ngược lại sẽ được khai thác thác với tần suất không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11/2021 và không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11/2021. (Trước đó, kế hoạch khai thác giai đoạn thí điểm từ ngày 10-20/10 của Bộ Giao thông Vận tải có quy định các đường bay Hà Nội-TPHCM, Hà Nội-Đà Nẵng, TPHCM-Đà Nẵng mỗi ngày có 1 chuyến khứ hồi).
Riêng các đường bay khác sẽ được khai thác không quá 4 chuyến hàng ngày mỗi chiều.
Hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất sau khi các chuyến bay được mở lại
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác và điều kiện đối với hành khách phù hợp.
Bên cạnh đó, quyết định của Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ các điều kiện với khách đi máy bay.
Cụ thể, với hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cần Thơ có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Các trường hợp hành khách khác cần đáp ứng một trong ba điều kiện bao gồm có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay); có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác... Trên máy bay, hành khách luôn đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.
Ngoài ra, tất cả hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát.
Đối với tổ bay (tổ lái và tiếp viên), Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải đáp ứng đủ 2 điều kiện như có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19; giấy ra viện sau điều trị COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 7 ngày kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước khi làm nhiệm vụ trên tàu bay.
Sau chuyến bay, trường hợp tổ bay thực hiện chuyến bay khứ hồi trong ngày thì không cần xét nghiệm khi quay lại điểm đi, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến bay tiếp theo.
Trường hợp phải cư trú tại địa phương của cảng hàng không, sân bay đến, tổ bay được về nhà, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến bay tiếp theo. Nếu lưu trú tạm thời thì hãng hàng không phải bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.