Quan điểm này của Đảng CSVN, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được khởi đầu từ công cuộc đổi mới 39 năm trước và ngày càng thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt qua các nghị quyết từ Đại hội Đảng VI (1986) đến Đại hội XIII (2021) và chuẩn bị cho Đại hội XIV dự kiến tổ chức trong năm 2026 sắp tới. Đây cũng là quá trình phát triển lý luận về KTTN trước yêu cầu bức thiết của thực tiễn. Là "phép màu" kỳ diệu giúp Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề từ sự sụp đổ dây chuyền của Đông Âu - Liên Xô (1989 - 1991) và phát triển kinh tế tăng hàng chục, hàng trăm lần (tùy lĩnh vực) như hôm nay. Nhìn lại hành trình kỳ vĩ của KTTN suốt 40 năm qua, mỗi người Việt Nam càng thêm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong "kỷ nguyên mới"!
Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, nền kinh tế cả hai miền Bắc - Nam đều kiệt quệ do hậu quả chiến tranh kéo dài hơn 30 năm (1945 - 1975) qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đã vậy, chúng ta còn bị bao vây cấm vận và dốc sức cho hai cuộc chiến vệ quốc mới ở biên giới phía Bắc và chiến trường Tây Nam. Trong điều kiện ngặt nghèo như vậy, việc tương trợ và hợp tác kinh tế từ Liên Xô - Đông Âu gần như là chỗ dựa duy nhất. Nguồn này ngày càng teo lại theo khó khăn, khủng hoảng từ các nước bạn. Nhưng chính sách kinh tế tập thể, kinh tế chỉ huy (như khẩu hiệu thời đó: "Đi lên XHCN bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản") phục vụ chiến tranh cứu nước, đến giai đoạn này bắt đầu đòi hỏi được "giải phóng" khỏi cơ chế bao cấp. Nhưng chúng ta loay hoay mà không biết bắt đầu từ đâu và cũng rất ngại nếu công khai phát triển KTTN, bởi sẽ bị cộng đồng các nước XHCN chỉ trích là "xét lại", "phản bội", "muốn đi theo con đường tư bản giãy chết", "muốn níu kéo chế độ người bóc lột người"... kèm với những "trừng phạt" như: cắt viện trợ, bất hợp tác, hạn chế giao thương... để Việt Nam đã khó, càng thêm khó về những "ân tình" và ràng buộc như thế! Nói hết những điều này để thế hệ con cháu hôm nay hiểu những khó khăn của thời đó, chứ không phải như nhiều người nghĩ đơn giản: "Cứ cho KTTN phát triển như miền Nam trước 1975, việc gì phải hợp tác hóa, quốc doanh hóa để hạn chế sự phát triển!".

Lao động thủ công ở các HTX nông nghiệp trước đổi mới
Năm 1984, khi vào thư viện cơ sở 3 Thủ Đức của Đại học Tổng hợp TPHCM, tác giả bài này tình cờ đọc được cuốn sách viết về quá trình hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc (sách được xuất bản 1972) của GS Bùi Công Trừng (1902 - 1977) - nguyên Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1960 - 1970). Tôi - một sinh viên năm nhất khoa Triết - Kinh tế chính trị - đã bàng hoàng khi cuốn sách đó nói rằng: "Hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc không hiệu quả!". Tôi cứ bị day dứt mãi hàng chục năm với câu hỏi: "Tại sao từ 1972 đã có kết luận thẳng thắn như vậy mà sau 1975 Đảng lại tiếp tục áp chủ trương "hợp tác hóa", "quốc doanh hóa" vào nền kinh tế thị trường ở miền Nam kèm với chính sách: "đánh tư sản", "diệt con buôn", "ngăn sông cấm chợ"...?!". Mãi đến bây giờ, khi đã ngoài tuổi 60, cùng trải qua những bước thăng trầm của đất nước trong dòng chảy vũ bão của thời cuộc, với toan tính lợi ích của các nước lớn, tôi mới hiểu những áp lực khủng khiếp dồn lên vai những nhà lãnh đạo đất nước thời đó, thương họ hơn và trân quý những thành quả của ngày hôm nay hơn!
Tháng 6/1988, trong lễ tốt nghiệp khóa 1984 - 1988; Hiệu trưởng Lý Hòa của Đại học Tổng hợp TPHCM tuyên bố: "Đây là khóa đầu tiên trường phát bằng cử nhân khoa học thay cho bằng tốt nghiệp đại học. Chúng tôi đào tạo trí thức cho năm thành phần kinh tế, trong đó có KTTN!". Câu nói đó như "sấm nổ bên tai" làm tôi buồn nhiều hơn vui! Tại sao?
1 - Suốt nhiều năm sống trong thời kỳ bao cấp, thế hệ chúng tôi được dạy phải: "Căm thù bóc lột" do những chủ tư nhân trong kinh tế thị trường gây ra. Đối với việc làm tăng giá trị sản phẩm lưu thông hàng hóa thì cũng bị miệt thị, gọi những người tham gia quy trình này (ngoài quốc doanh, hợp tác xã) là "con buôn" hoặc "gian thương". Kèm theo những phân biệt đối xử như vậy là chính sách "ngăn sông cấm chợ". Hàng hóa công nghiệp hay nông phẩm, sản phẩm thủ công nghệ đều phải do các cơ quan, đơn vị Nhà nước quản lý, trao đổi, phân phối. Cấm tư nhân được mang ra khỏi xã, thị trấn. Mỗi đường làng, sông quê ngày đó, lực lượng du kích, cán bộ xã ngày đêm chốt chặn, truy bắt gắt gao. Nông dân chở xe đạp hoặc gánh gồng vài chục ký bắp (ngô), đậu, gạo, con gà, con vịt, vài ký đường... do mình tự trồng trọt, chăn nuôi, chế biến bằng mồ hôi, nước mắt của cả gia đình lớn bé, già trẻ suốt hàng tháng, hàng năm. Giờ muốn đem ra chợ huyện bán để mua quần áo cho con nhập học, trị bệnh, giúp đỡ người thân... đều phải lén lút. Nếu bị bắt, vừa bị tịch thu hàng hóa, vừa bị phạt hành chính phải lao động công ích nhiều ngày. Thậm chí còn bị ghi vào lý lịch rất nặng nề là: "Chống đối chủ trương Nhà nước". Trong lý lịch mà bị phê như vậy thì dù học giỏi, đậu đại học cũng không cho nhập học. Xin vào các cơ quan Nhà nước cũng bị từ chối, gia đình bị xếp loại "sổ đen" trong quản lý của địa phương (đó cũng là một trong những nguyên nhân làm nạn vượt biên bùng phát vì cuộc sống vừa khó khăn, vừa ngột ngạt với những áp lực do hậu quả chiến tranh và kinh tế bao cấp gây ra!).

Xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm ở cửa hàng mậu dịch
2 - Trước đổi mới, gia đình nào cũng ước mơ con cháu được vào làm việc trong cơ quan Nhà nước, để vừa có nhiều quyền lợi trong chế độ phân phối theo tem, phiếu, vừa bảo đảm tương lai, vừa được xóm làng, dòng họ, chính quyền địa phương "đánh giá cao", thậm chí là nể trọng. Tâm lý này hằn sâu, "di truyền" từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhất là khi các "ứng viên" vào cơ quan Nhà nước được thêm các "điểm son" như: lý lịch, đã tốt nghiệp đại học... Hầu như cả xã hội đều hướng về lợi ích vật chất trước mắt. Từ đó sinh ra những cô mậu dịch viên nắm quyền phân phối hàng hóa ở các cửa hàng mậu dịch, ai cũng nể sợ. Câu "vật chất quyết định ý thức" từ nghĩa Triết học duy vật, bị hiểu trần trụi là lợi ích vật chất quyết định hành xử giữa con người với nhau! Không ai "dại dột" hoặc "tự hạ thấp mình" về lý lịch, học vấn khi xin vào các doanh nghiệp tư nhân đang chập chững "hồi sinh"... sau nghị quyết Đại hội Đảng lần VI!
Đó là những lý do lứa sinh viên tốt nghiệp những năm đầu sau đổi mới vẫn còn rất "e ngại" KTTN. Đoàn trường Đại học Tổng hợp TPHCM từng giúp sinh viên vượt qua định kiến này bằng cách mời ông chủ các doanh nghiệp tư nhân đang "nổi đình nổi đám" lúc bấy giờ đến nói chuyện với sinh viên, để kích thích tư duy KTTN cho những trí thức trẻ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tư duy "KTTN" cũng vất vả "chòi, đạp" thoát khỏi cơ chế bao cấp quan liêu và tư tưởng "cha chung không ai khóc"! Suốt tuổi thiếu niên của thế hệ 6X chúng tôi là hình ảnh từng đoàn người mỗi sáng chậm rải, uể oải vác cuốc ra đồng, lên rẫy sau tiếng kẻng của ông đội trưởng sản xuất lúc 7 giờ 30. Thế nhưng, sau tiếng kẻng nghỉ giải lao lúc 9 giờ 30 hoặc nghỉ trưa lúc 11 giờ 30 thì đoàn người mệt mỏi, lười biếng ấy sinh động, lanh lợi hẳn lên với công việc tư nhân, như: Đi tìm rau dại, mót khoai, kiếm củi, bẫy chim hoặc nhanh chân chạy về chăm sóc cho miếng vườn, mảnh ruộng riêng của gia đình mình. Lao động tập thể với động cơ, mục đích chỉ là "quèn quẹt" cho hết giờ, hết ngày để có công điểm đợi mùa lên được chia nông sản. Dĩ nhiên với năng suất lao động rất thấp như vậy, một ngày công chỉ được chia một vài ký thóc, khoai hay một ít đậu các loại. Tình trạng này kéo dài từ 1976 - 1980 trên miền Bắc đã được xây dựng CNXH 20 năm và miền Nam đang chập chững vào "hợp tác hóa" 1 - 2 năm. Đó là lý do đói nghèo vây phủ khắp các vùng nông thôn còn đầy rẫy dấu tích chiến tranh (năm 1979, Việt Nam là nước nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 90% cơ cấu tổng sản phẩm quốc gia, nhưng phải nhập 2,2 triệu tấn lương thực để cứu đói).

Thời bao cấp, xe đạp khắp nơi vì khan hiếm xăng dầu
Ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100CT/TW, còn gọi là chỉ thị khoán 100 hay khoán sản phẩm đến người lao động trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Chỉ thị này xóa bỏ chế độ công điểm và ăn chia sản phẩm, giao ruộng đất của HTX về cho nhóm lao động hoặc người lao động trực tiếp sản xuất. Nhờ có chỉ thị này mà nông nghiệp Việt Nam bứt phá mạnh mẽ. Sản lượng lương thực từ 11,64 triệu tấn năm 1980 tăng lên 15 triệu tấn năm 1981. Vài năm sau, trên tinh thần tổng kết thực tiễn, Bộ Chính trị họp bàn về cơ chế khoán trong nông nghiệp và đến ngày 05/4/1988 thì ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, hay còn gọi là khoán 10 với khẳng định: "Hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất đến phân phối, sử sụng sản phẩm. Nhấn mạnh đến "lợi ích của người lao động". Nếu năm 1988, sản lượng lương thực cả nước đạt 19,58 triệu tấn, thì sau đó chỉ một năm đã tăng lên 21,58 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam từ đói nghèo phải nhập khẩu lương thực những năm trước đó đã xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo... Nghị quyết 10 không chỉ "giải phóng sức sản xuất" trong nông nghiệp mà còn thổi làn gió mới cho khắp các vùng nông thôn. Tình trạng "ngăn sông cấm chợ" từng gây đói nghèo hãi hùng cho hàng triệu hộ nông dân ở khắp các vùng miền vĩnh viễn đi vào quá khứ. Đám "cường hào mới" từng lợi dụng chủ trương này để hà hiếp, áp bức nông dân cũng không còn đất sống. Nông thôn, nông nghiệp Việt Nam bước vào thời kỳ dân chủ, phát triển mạnh mẽ và tạo ra những kỳ tích về xuất khẩu gạo, nông sản, lấy đà cho hội nhập, phát triển ở những thập niên tiếp theo...
(Còn tiếp...)