(CAO) Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa XII) khai mạc tại Hà Nội vào sáng 7-5. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Hội nghị lần này, Trung ương sẽ bàn, cho ý kiến về các đề án, báo cáo: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; Cải cách chính sách tiền lương; Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng; Công tác cán bộ…
Đây là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội.
Hội nghị Trung ương 7 - Khóa XII sẽ bàn những vấn đề rất quan trọng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của đảng viên, cán bộ và nhân dân. Ảnh minh họa
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ là gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Chính vì vậy, việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược trong tình hình hiện nay có ý nghĩa hệ trọng, mang tính sống còn.
Trong tháp nhân sự, cán bộ cấp chiến lược nằm ở đỉnh, có vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh cao cả. Đây là bộ phận tinh hoa, nắm giữ các chức danh chủ chốt đứng đầu đất nước, ngành và địa phương. Tiêu chuẩn và tố chất cần có như năng lực tư duy, tầm nhìn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức… được đòi hỏi ở mức cao, được khẳng định qua thực tiễn, hiệu quả công tác và thật sự là những người có uy tín với nhân dân.
Việc quy hoạch cán bộ là để đào tạo nhằm nâng cao trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn, không phải được vào diện quy hoạch là được bổ nhiệm và chỉ bổ nhiệm người trong quy hoạch, hay thực hiện theo quy trình một cách cứng ngắc, máy móc. Kiến thức không chỉ thể hiện qua bắng cấp. Trong thực tế đã có nhiều nhà lãnh đạo giỏi chưa có bằng đại học, nhiều những “kỹ sư chân đất” có những phát minh, sáng tạo, làm ra những máy móc không chỉ phục vụ sản xuất trong nước mà còn xuất khẩu. Cần quan tâm tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng người thực tài, liêm chính như cách dùng người của Bác Hồ. Trong Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít người không phải là đảng viên.
Đề án cải cách tiền lương sẽ tạo mặt bằng mới cùng với cơ chế tiền thưởng theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, theo sự đánh giá công minh, không nể nang và bình quân, nhằm tạo động lực phấn đấu và cạnh tranh lành mạnh đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động, thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Cải cách tiền lương còn tùy thuộc vào nguồn lực, vào kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công.
Cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an và dư luận xã hội rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ động làm từ trên xuống và đi đầu trong việc mạnh dạn cắt bỏ tầng nấc trung gian, bỏ hẳn cấp Tổng cục, giảm Cục, tăng cường lực lượng chính quy cho cơ sở. Chủ trương nhất thể hóa, kiêm nhiệm chức danh làm tinh gọn đầu mối, biên chế nhằm giảm sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ đã tạo được sự đồng thuận. Để giảm chi thường xuyên, góp phần thực hiện cải cách tiền lương, không cách nào khác là phải tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng có bước tiến rõ rệt, đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp sai phạm nhất là ở cấp cao, làm cho dân tin hơn. Tuy nhiên, việc giám sát, chất vấn, giải trình trong Đảng cần phải được đẩy mạnh, trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu cần được mạnh dạn tạo điều kiện cho thực quyền nhưng phải gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Trước nhiều những đòi hỏi trong xây dựng chỉnh đốn Đảng và đổi mới, cải cách thể chế, cơ chế… để phát triển đất nước trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 7 được kỳ vọng rất nhiều.
Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM