Kỷ luật 10 uỷ viên, nguyên uỷ viên BCH Trung ương
Sáng nay (10-1), Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Trình bày báo cáo tổng kết, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết, năm 2022, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.533 tổ chức đảng và 10.475 đảng viên (tăng 17,57% tổ chức đảng và 16,62% đảng viên so với năm 2021).
Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón báo cáo tại hội nghị
Qua kiểm tra, kết luận có 2.333 tổ chức đảng, 8.003 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 333 tổ chức đảng và 3.909 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 244 tổ chức đảng, 3.595 đảng viên.
Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức đảng (tăng 83,86% so với năm 2021); thi hành kỷ luật 16.202 đảng viên (giảm 3,53% so với năm 2021), có 2.902 cấp uỷ viên. Trong số này, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 4 đảng viên; Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 43 đảng viên.
Có 10 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị thi hành kỷ luật. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 101 tổ chức đảng và 5.356 đảng viên.
Về giám sát, cũng trong năm 2022, cấp ủy các cấp giám sát 43.356 tổ chức đảng và 147.448 đảng viên (tăng 12,12% tổ chức, 18% đảng viên so với năm 2021). Qua giám sát, cấp uỷ các cấp đã phát hiện 130 tổ chức đảng và 720 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 17 tổ chức và 151 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng giám sát 31.171 tổ chức đảng và 46.495 đảng viên; phát hiện 217 tổ chức và 330 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 60 tổ chức và 141 đảng viên.
“Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với tinh thần quyết tâm, quyết liệt "không dừng, không nghỉ, không chùng xuống"” - ông Trần Văn Rón nhấn mạnh.
Các đại biểu dự hội nghị
Trong phương hướng nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, như các sai phạm của Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn FLC…
Mỗi quyết định kiểm tra phải thể hiện “công lý” trong Đảng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá, kết quả công tác năm 2022 đã phản ánh sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót, như việc xác định nội dung chương trình kiểm tra, giám sát của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa thực sự tập trung vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực.
“Ủy ban kiểm tra các cấp chưa mạnh dạn trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy về công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc ở địa phương, đơn vị” - ông Thưởng nhìn nhận, đồng thời cho rằng, vẫn còn tình trạng kiểm tra, giám sát mang tính hình thức, chưa quyết liệt, còn nể nang, né tránh, đùn đẩy, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp uỷ và ủy ban kiểm tra cấp trên…
Nhận định năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tình hình vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên còn diễn biến phức tạp…, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu phải nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
“Bài học trong hai nhiệm kỳ qua cho thấy, ở đâu người đứng đầu quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, định hướng cho công tác kiểm tra thì ở đó công tác kiểm tra, giám sát chuyển biến mạnh; khuyết điểm, vi phạm ít đi” – ông Thưởng chỉ ra.
Theo Thường trực Ban Bí thư, cùng với việc thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát, chú trọng những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, những nơi có nhiều vụ, việc khiếu kiện, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc, cần tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm; thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt.
Ông Thưởng cũng yêu cầu Ủy ban kiểm tra các cấp cũng nghiêm túc, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh giao. Đặc biệt, phải tập trung kiểm tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC... Tăng cường phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong công tác kiểm tra và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, ràng buộc bằng trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…
Vẫn theo ông Thưởng, phải hết sức coi trọng việc kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, bảo đảm mỗi quyết định của ủy ban kiểm tra luôn khách quan, chính xác, có lý, có tình, là quyết định của lẽ phải, của trách nhiệm và tình đồng chí, của “công lý” trong Đảng.
Bế mạc hội nghị, ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trân trọng cảm ơn, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú phát biểu bế mạc hội nghị
Ông Trần Cẩm Tú đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp uỷ giao.
Trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; kịp thời phát hiện, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với tổ chức đảng, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Các trường hợp vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và những vụ, việc bức xúc trong xã hội; những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo… cũng cần được kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời.