Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 386 phiếu thuận, đạt tỷ lệ 77,82% tổng số đại biểu.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng thông qua 3 điều, trong đó điều 25 về Hội đồng Y khoa quốc gia nhận được sự đồng ý của 382/481 đại biểu. 79 đại biểu không đồng ý; 20 đại biểu không biểu quyết.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên làm việc
Điều 104 về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh nhận được sự đồng ý của 418/482 đại biểu. 31 đại biểu không đồng ý và 32 đại biểu không biểu quyết.
Điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có 381/471 tán thành. 55 đại biểu không đồng ý, 35 đại biểu không biểu quyết.
Theo đó, Luật được thông qua đã quy định cụ thể các yếu tố, chi phí cấu thành cũng như nguyên tắc và căn cứ định giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Luật nêu rõ, Bộ trưởng Y tế chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá.
Bộ trưởng Y tế cũng sẽ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác.
HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Vẫn trong Luật vừa được Quốc hội thông qua, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước áp dụng giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh tiếp thu, giải trình dự Luật
Theo yêu cầu của Luật, các cơ sở khám chữa bệnh phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, Luật cho phép được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Các sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Liên quan đến vấn đề tự chủ bệnh viện, luật quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá; quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật…
Trước đó, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, do các vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước nói riêng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau và đang có những vướng mắc nhất định. Do đó, để có thể giải quyết một cách triệt để thì về lâu dài cần nghiên cứu tổng thể, hoàn thiện chính sách pháp luật về cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn.
Hiện tại, dự thảo Luật chỉ quy định một số nội dung mang tính đặc thù y tế để tháo gỡ một phần vướng mắc, khi hệ thống pháp luật về tự chủ đối với đơn vị cung ứng dịch vụ công được hoàn thiện sẽ kết nối thực hiện được.
Về quy định xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, luật cho phép Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng; khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh.
Luật cũng quy định cụ thể hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế.
Luật cũng cho phép thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.