Ngày 14/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động (Luật số 04/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Luật Cảnh sát cơ động quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3), Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Điều luật cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13 ngày 23/12/2013, bổ sung làm rõ vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động là lực lượng chuyên trách, nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp, trấn áp tội phạm sử dụng vụ khí, tham gia đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức để bảo vệ an ninh, quốc gia.
Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Cảnh sát cơ động hoạt động theo nguyên tắc (Điều 4):
+ Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
+ Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
+ Kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
+ Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Nội dung Điều luật trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đồng thời bổ sung quy định nguyên tắc tập trung, thống nhất trong chỉ huy, chỉ đạo theo phân công, phân cấp từ Trung ương đến địa phương để phù hợp với đặc thù, tính chất của Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung.
Ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động
Xây dựng Cảnh sát cơ động (Điều 5):
+ Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động.
+ Cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh.
Nội dung Điều này kế thừa quy định của Pháp lệnh, đồng thời chỉnh lý một số thuật ngữ đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia trong đó đã xác định: "Ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đối với lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy và lực lượng phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng tiến thẳng lên hiện đại".
Nội dung điều khoản quy định về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động mang tính định hướng nhằm đảm bảo tính thống nhất về tổ chức, quản lý lực lượng trong các quy định ở các chương tiếp theo, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng Cảnh sát cơ động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ngày 15 tháng 4 hằng năm là ngày truyền thống của Cảnh sát cơ động
Luật quy định cụ thể Ngày truyền thống của Cảnh sát cơ động (Điều 6).
Theo đó, ngày 15 tháng 4 hằng năm là ngày truyền thống của Cảnh sát cơ động.
Việc quy định rõ ngày truyền thống của Cảnh sát cơ động nhằm thể hiện rõ vai trò quan trọng của yếu tố xây dựng truyền thống lực lượng cũng như khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành của Cảnh sát cơ động trong thời gian qua. Theo đó Cảnh sát cơ động lấy ngày ra mắt (15/4/1974) là ngày truyền thống.
Bổ sung lực lượng kỵ binh, Trung đoàn không quân Công an nhân dân
Luật Cảnh sát cơ động được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Luật cũng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 Chương 33 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với Cảnh sát cơ động.
Trong đó, Luật tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của Cảnh sát cơ động trong việc làm “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.
Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động, xác định nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là “sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố”.
Bên cạnh đó, Luật Cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, Trung đoàn không quân Công an nhân dân,…
Luật cũng bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát cơ động như được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách.
Luật Cảnh sát cơ động là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả hơn.
Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong Cảnh sát cơ động; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động.