Lực lượng Công an chính thức được tham gia gìn giữ hoà bình của LHQ

Thứ Sáu, 13/11/2020 15:56

|

(CAO) Nghị quyết tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (13/11) đã chính thức quy định lực lượng công an tham gia nhiệm vụ này.

Nghị quyết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LLGGHBLHQ) vừa được Quốc hội thông qua nhận được sự tán thành của 94,40% tổng số đại biểu.

Với Nghị quyết được thông qua, từ 1/7/2021, ngoài sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an cũng được cử tham gia LLGGHBLHQ.

Nguyên tắc tham gia LLGGHBLHQ, theo Nghị quyết, được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết

Việc tham gia LLGGHBLHQ cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ, LLGGHBLHQ chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên hợp quốc và chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được Liên hợp quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên hợp quốc.

Về quy trình cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam, Nghị quyết quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định chủ trương cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam.

Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp vớiBộ Công an báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam.

Căn cứ quyết định của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định lực lượng cụ thể theo thẩm quyền.

Về quy trình cử luân phiên, thay thế, Nghị quyết quy định, hằng năm, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh kế hoạch cử lực lượng luân phiên, thay thế.

Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử lực lượng luân phiên, thay thế.

Căn cứ quyết định của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định lực lượng cụ thể từng đợt luân phiên, thay thế theo thẩm quyền.

Vẫn theo Nghị quyết được thông qua, Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc tham gia LLGGHBLHQ và bồi thường thiệt hại cho Liên hợp quốc hoặc bên thứ ba do lỗi của lực lượng Việt Nam.

Tiền bồi hoàn của Liên hợp quốc, các nguồn hỗ trợ hợp pháp được nộp vào ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quyết định việc bồi thường thiệt hại do lỗi của lực lượng Việt Nam gây ra.

Quy định về chế độ, chính sách, Nghị quyết nêu rõ cá nhân, đơn vị trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động LLGGHBLHQ được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù của hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Trong thời gian tham gia LLGGHBLHQ, cá nhân, đơn vị có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia LLGGHBLHQ.

Trường hợp cá nhân bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ tham gia LLGGHBLHQ sẽ được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc.

Quy định mức trần tiền dịch vụ khi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc

Cũng trong chiều nay, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa được Quốc hội thông qua với 93,36% đại biểu tán thành

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định cụ thể chính sách về bảo đảm bình đẳng giới, có các biện pháp hỗ trợ lao động nữ, lao động những công việc nhạy cảm có khả năng bị xâm hại và quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi người lao động về nước đảm bảo tính khả thi, tránh lãng phí ngân sách.

Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật

Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung tại điểm e, khoản 2, Điều 26 của dự thảo Luật quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ phải có nhân viên nghiệp vụ “đủ năng lực” quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và “bảo đảm cung cấp trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần đến các hỗ trợ pháp lý khi bị lạm dụng, bạo lực hoặc phân biệt đối xử trong quá trình làm việc ở nước ngoài”.

Dự luật trình Quốc hội thông qua cũng bổ sung nội dung giáo dục định hướng để bảo đảm người lao động được cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về vấn đề cưỡng bức lao động, phòng, chống buôn bán người, bình đẳng giới, lạm dụng tình dục, bạo lực giới và các kỹ năng phòng ngừa.

Các thông tin về bảo hộ công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và những vấn đề cần phòng ngừa trong thời gian làm việc ở nước ngoài cũng là những thông tin người lao động được biết.

Liên quan đến quy định người lao động phải đóng tiền dịch vụ, nhiều ý kiến đề nghị bỏ nội dung này. Tuy nhiên, theo UBTVQH, thực tiễn đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho thấy, trong bối cảnh cung - cầu lao động quốc tế, có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với lao động Việt Nam, trong đó năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam không cao do chất lượng lao động của Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông.

Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn hạn chế, thường không trực tiếp ký kết được hợp đồng cung ứng lao động với người sử dụng lao động tại nước tiếp nhận lao động mà phải qua tổ chức, cá nhân trung gian.

Do đó, số tiền mà doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ người sử dụng lao động của nước tiếp nhận lao động chi trả để tuyển dụng lao động Việt Nam cũng thường chưa đủ bù đắp cho các chi phí cung cấp dịch vụ để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (như hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động và quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài…).

Vì lẽ trên, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn phải trả cho doanh nghiệp tiền dịch vụ.

Dù vậy, để bảo đảm công khai, minh bạch, luật quy định về tiền dịch vụ và quy định chặt chẽ các nguyên tắc thu tiền dịch vụ; mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu từ người lao động; trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ mà hai bên đã thỏa thuận.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật

Vẫn trong tiếp thu, giải trình, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, quá trình thảo luận còn những ý kiến khác nhau về việc mở rộng đối tượng có thẩm quyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, một số đại biểu Quốc hội tán thành quy định đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cụ thể là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Một số ý kiến không đồng ý với quy định này.

Giải trình nội dung này, UBTVQH nhận định, vấn đề này hiện nay đang được Chính phủ thực hiện thí điểm với số lượng còn rất ít cả về số địa phương thực hiện (6 tỉnh thành), số lượng lao động đưa đi (đưa được 847 lượt lao động), số nước tiếp nhận (chủ yếu Hàn Quốc, Nhật Bản), làm việc chủ yếu theo mùa vụ (3-6 tháng trong lĩnh vực nông nghiệp), mô hình thực hiện cũng khác nhau, thời gian thí điểm ngắn và chưa được tổng kết, đánh giá.

Do vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc tiếp tục thí điểm (trên cơ sở quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) thực hiện đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký kết với các tỉnh, thành phố của bên nước ngoài phù hợp với luật Thỏa thuận quốc tế làm cơ sở tổng kết đánh giá toàn diện việc triển khai thí điểm này để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan.

Với tinh thần đó, UBTVQH quyết định không quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mới chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Bình luận (0)

Lên đầu trang