Lần đầu tiên Quốc hội sẽ bầu đương kim Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nước

Thứ Ba, 23/03/2021 09:29

|

(CAO) Thông tin trên được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại phiên họp báo trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào sáng nay (23-3).

Kỳ họp thứ 11 sẽ khai mạc vào ngày mai (24-3) diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện việc kiện toàn khoảng 25 chức danh lãnh đạo Nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo

“Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước” – ông Phúc thông tin.

Cụ thể, theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ dành thời gian nửa ngày cho hoạt động lập pháp là xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự luật này đã được trình, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Khoảng 4,5 ngày được dành cho hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, chủ yếu là việc đánh giá công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của các cơ quan như Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước…

Phần lớn thời gian còn lại Quốc hội dành để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Công tác này trước đó đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị xem xét rất kỹ lưỡng trước khi thực hiện quy trình kiện toàn tại Quốc hội.

Lần đầu Quốc hội bầu đương kim Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nước

Nhấn mạnh đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV, tiến hành sau Đại hội XIII của Đảng, cũng là kỳ họp trước khi cuộc bầu cử Quốc hội mới (khoá XV) diễn ra, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định kỳ họp có ý nghĩa quan trọng để nhìn lại cả quá trình 5 năm của nhiệm kỳ sắp qua, làm bản lề cho Quốc hội nhiệm kỳ mới.

“Kiện toàn một số chức danh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nhưng vẫn là của khoá XIV” – ông Phúc nói.

Tổng thư ký Quốc hội phân tích, sau Đại hội Đảng XIII, một số nhân sự lãnh đạo các cơ quan Nhà nước không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá mới nữa, nên Trung ương Đảng quyết định việc kiện toàn sớm các chức danh để bộ máy ổn định hoạt động. Việc này, theo ông Phúc, cũng không vướng quy định pháp luật.

“Theo quy định, Quốc hội khoá XIV vẫn duy trì cho đến hết tháng 5, khi hoàn thành cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV. Các chức danh lãnh đạo cơ quan của Quốc hội sau khi được miễn nhiệm tại kỳ họp 11 vẫn là đại biểu Quốc hội cho tới hết thời điểm này” – ông Phúc phân tích.

Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội, việc tuyên thệ nhậm chức với những chức danh lãnh đạo chủ chốt theo quy định của pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc nhân sự của thời điểm nào thì thực hiện tuyên thệ cho thời điểm đó. Như thế, việc tuyên thệ nhậm chức của các chức danh như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ít ngày tới là cho nhiệm kỳ 2016-2021, còn việc tuyên thệ cũng của các chức danh chủ chốt này tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới (khóa XV) là cho nhiệm kỳ 2021-2026.

“Trong khoá mới, các chức danh này, nhân sự này có thể trùng hoặc không trùng nhưng vẫn phải tuyên thệ khi nhậm chức ở nhiệm kỳ sau vì đã là chức danh được luật định thì khi nhậm chức phải tuyên thệ. Việc các nhân sự tuyên thệ những ngày tới là nhậm chức của khoá XIV, còn sang tháng 7, việc tuyên thệ nhậm chức là của khoá XV. Việc này không có gì mới, đã thực hiện từ khoá XIII rồi” - Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm.

Trước thông tin Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh từng phát biểu tại phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 tuần trước là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước, Tổng thư ký Quốc hội xác nhận, đây là lần đầu Quốc hội sẽ bầu một đương kim Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nước.

Vì lẽ này, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, khi thực hiện quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội thì chưa nên miễn nhiệm Chủ tịch nước đương nhiệm và bầu nhân sự mới, vì theo quy định Chủ tịch nước chính là người trình, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, có thể dẫn tới trường hợp tân Chủ tịch nước phải miễn nhiệm chức danh Thủ tướng của chính mình.

“Ý Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh đề cập tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chính là như vậy. Đó là vấn đề kỹ thuật và đó là điểm đã được lưu ý để bố trí chương trình công tác nhân sự cho phù hợp” – ông Phúc nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang