Cách đây 78 năm, sau khi vừa tiến hành xong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, cả nước ta phải đương đầu quyết liệt với "thù trong, giặc ngoài". Ngay trong tháng 8/1945, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch gồm 4 quân đoàn, dưới sự chỉ huy của Lư Hán đã vượt biên giới Trung - Việt chia làm 5 mũi kéo vào miền Bắc chiếm đóng hầu hết các thành phố, thị xã. Ở miền Nam nước ta, đầu tháng 9/1945, đế quốc Anh đổ quân vào Sài Gòn tích cực giúp đỡ thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam lần thứ hai. Ngày 23/9/1945, tiếng súng kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ bùng nổ.
Như vậy, trước ngày nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc tháng 12/1946, máu của chiến sĩ và đồng bào ta đã đổ trên các chiến trường. Ngày 05/11/1945, Bác Hồ viết: "Hiện giờ nạn xâm lăng mỗi ngày một trầm trọng. Đã hơn 2 tháng nay, đồng bào ta ở Nam Bộ hy sinh biết bao xương máu để gìn giữ độc lập". Trong bài viết đăng trên Báo Cứu quốc, số 182, ngày 10/3/1946, Bác đã viết những lời tri ân sâu sắc: "Nhờ ở sự tranh đấu anh dũng của tất cả đồng bào toàn quốc, nhất là đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ và của hết thảy anh em chiến sĩ khắp các mặt trận trong 6 tháng nay. Trong giờ phút này, tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng".
Xuất phát từ tình cảm thiêng liêng ấy, ngay trong đầu năm 1946, Bác Hồ và Trung ương chủ trương thành lập Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ). Hội đã ra đời tại nhiều địa phương: Hà Nội, Thuận Hóa, Bình Trị Thiên... Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Chủ tịch danh dự của hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở trường Thương binh hỏng mắt, ngày 11/2/1956 (ảnh tư liệu)
Ngày 28/5/1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn tổ chức cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự. Báo Cứu quốc số 398, ngày 07/11/1946, đã đăng thông báo của Bác Hồ về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi. Bác viết: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi. Vậy các ban hành chính các địa phương toàn quốc phải lập tức làm tờ báo cáo. Các làng làm xong gửi lên huyện. Các huyện xét lại đúng sự thực thì đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở Hà Nội".
Ngày 08/01/1947, trong "Thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương", Bác Hồ viết: "Tôi tiếp được nhiều thư nam nữ chiến sĩ bị thương, hăng hái hứa với tôi rằng hễ vết thương khỏi, thì lại xin ra mặt trận. Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý. Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương mà còn mong mỏi ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế".
Để mở đầu cho cuộc vận động Mùa đông binh sĩ, ngày 11/7/1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn tổ chức buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Tại buổi quyên góp này, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc và một chiếc áo lụa để tặng chiến sĩ.
Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, tháng 01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi được báo cáo rằng con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam".
Tháng 02/1947 trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ ký sắc lệnh ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tử tuất. Tháng 6/1947, Bác đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương và tỉnh đã họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) bàn bạc và nhất trí đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm "Ngày Thương binh - Liệt sĩ” đầu tiên trong cả nước. Từ đó ngày 27/7 hàng năm trở thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ”.
Ngày 17/7/1947, trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh, với tấm lòng yêu thương vô hạn, Bác Hồ đã định nghĩa thương binh như sau: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà trong một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy".
Chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể của các tầng lớp nhân dân ta đối với Ngày thương binh, Bác Hồ viết: "Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương. Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh... Tôi xin đề nghị, hôm đó các cơ quan, các bộ đội, các trường học, các đoàn thể và toàn thể đồng bào cả nước đều nhịn ăn một bữa...
Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng)".
Ngay trong ngày đầu tổ chức "Ngày thương binh" (27/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen bà Bá Huy, người đã có công trong việc lập một an dưỡng đường cho thương binh. Người viết: "Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một an dưỡng đường cho thương binh, tôi rất lấy làm vui lòng. Anh em thương binh đã hy sinh xương máu để gìn giữ Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc... Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà và ngợi khen bà”.
Chúng ta vô cùng xúc động được biết, từ ngày 27/7/1947 đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, năm nào đến Ngày thương binh, Bác Hồ cũng gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương binh, gửi thư và quà tặng thương binh và viết bài ca ngợi thương binh, liệt sĩ.
(Còn tiếp...)