Tất cả vì sự tồn vong của đảng, dân tộc, Tổ quốc
hôm nay (26/7), ngày quốc tang thứ hai và tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ, với tổ tiên. Nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta ghi nhớ những đóng góp to lớn của đồng chí với Tổ quốc, với Nhân dân, với Đảng. Và nhớ đến Tổng Bí thư với sự nghiệp, di sản mà đồng chí để lại rất đồ sộ. Một trong nhiều di sản của Tổng Bí thư để lại và thành công vang dội là công cuộc "đốt lò" chống tham nhũng, tiêu cực.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến hành từ năm 2013, liên tiếp gần 3 nhiệm kỳ, trong hơn 13 năm mà đồng chí là người lãnh đạo. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, có 167.700 cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự trong giai đoạn 2012 - 2022. Trong 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 29 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (năm 2024) còn cao hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phá bỏ quan niệm "bất khả xâm phạm", không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, để thắp lên ngọn lửa trong "chiếc lò" diệt trừ tham nhũng nổi tiếng, nức lòng dân. Trên quan điểm đó, nhiều đại án tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay bị phanh phui, với hàng trăm bị cáo. Một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, đã thu hồi tài sản đạt 41,3%, nhiều vụ tiến hành kê biên, thu giữ tài sản hàng nghìn tỷ đồng, như: vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng, vụ Phan Văn Anh Vũ hơn 22.000 tỷ đồng, vụ Phạm Công Danh hơn 9.000 tỷ đồng, vụ AVG hơn 8.870 tỷ đồng... Kết quả này càng củng cố niềm tin của nhân dân vào hiệu quả nhiều mặt của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong lịch sử phòng, chống tham nhũng ở nước ta, đây được xem là thời kỳ chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt nhất, mạnh mẽ nhất. Tất cả vì sự tồn vong của Đảng, dân tộc, Tổ quốc.
Tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất cương quyết, minh bạch và cũng rất nhân văn. Không chỉ chống, Tổng Bí thư còn tập trung vào việc xây dựng, chỉnh đốn để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn. Tổng Bí thư suy nghĩ công cuộc chống suy thoái về tư tưởng chính trị mới là căn bản, tư tưởng đó dẫn đến việc Tổng Bí thư trở thành "người đốt lò” vĩ đại. "Xuyên suốt trong tư tưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, lấy nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới" - Chủ tịch nước Tô Lâm đúc kết trong bài viết về cuộc đời cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy"
năm 2011, lúc nhậm chức Tổng Bí thư, điều đồng chí Nguyễn Phú Trọng quan tâm trước hết và trên hết là ngay lập tức tăng cường công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI ban hành ngay sau đó, với nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng. Nghị quyết ra đời phản ánh đúng tâm trạng xã hội, tâm nguyện của dân và cũng là niềm tin của dân đối với Đảng.
Nghị quyết tập trung vào 3 vấn đề cấp bách. Thứ nhất, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thứ hai, xây dựng đội ngũ lãnh đạo cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) vào năm 2012 với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu trên cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ ra: "Cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức hoặc thôi chức". Công cuộc "đốt lò” bắt đầu sau đó và ngày càng quyết liệt.
"Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy", đó là lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức ngày 31/7/2017. Phát biểu ấy gây xúc động cho toàn thể nhân dân nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên ngành Thanh tra nói riêng. Hôm nay, mỗi người dân Việt Nam nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã thắp lên ngọn lửa hồng rực để "đốt lò”, thiêu cháy và xua đi những tiêu cực, nhũng nhiễu, làm ấm ngọn lửa niềm tin của dân đối với Đảng. Với phương châm "giữ lò nóng để giữ lòng dân", công cuộc phòng, chống tham nhũng được triển khai trên tinh thần "không ngừng nghỉ, không có vùng cấm".
Tư tưởng chống tham nhũng của Tổng Bí thư: "Chống và xây"
Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính thức ra mắt, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Chín năm sau, mỗi tỉnh, thành đã lập một Ban Chỉ đạo riêng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận công cuộc chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, gian nan, nhưng đấu tranh là để làm tình hình tốt lên chứ không phải xấu đi; làm sao để cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ, thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có... "Phải làm sao "cái lò” nóng lên, tất cả vào cuộc. Hiện đã có tiến bộ, được người dân ủng hộ thì phải làm tiếp vì mất lòng dân là mất tất cả. Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn" - Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho rằng các tỉnh, thành "phải đẩy mạnh hơn nữa việc này, nếu không sẽ mất uy tín".
Không chỉ "chống", việc "xây" cũng là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ tính trong 10 năm (2012 - 2022), dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, cùng hàng loạt quy định nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong thời đại mới. "Chống và xây" là tư tưởng trong công tác phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư rất coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng suy nghĩ công cuộc chống suy thoái về tư tưởng chính trị mới là căn bản.
Ngày 19/6/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư phát biểu: "Phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; những biểu hiện làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... Tôi đã nói nhiều lần rồi, nay vẫn xin nhắc lại: "Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm"".
Giờ Tổng Bí thư về với đất mẹ, với tổ tiên. Một số người có tâm lý lo ngại công cuộc "đốt lò” bị gián đoạn, nhưng không - tư tưởng phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư đã thành đường lối, chủ trương của Đảng, trở thành những nghị quyết rất rõ ràng. Công cuộc "đốt lò” vẫn tiếp tục.
Ngày 22/7/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, đã bắt tạm giam các ông: Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN-MT), Nguyễn Văn Thuấn (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ TN-MT), Hoàng Văn Khoa (cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam) và nhiều cán bộ liên quan khác về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Các bị can này liên quan đến vụ án khai thác đất hiếm, quặng sắt xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương ở tỉnh Yên Bái và các đơn vị liên quan. Kết quả điều tra ban đầu, các bị can đã hưởng lợi bất chính 632 tỷ đồng.
Công cuộc đốt lò vẫn tiếp diễn. Lò vẫn cháy rực. "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu. Nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ nhắc đến công cuộc "đốt lò” chống tham nhũng là chưa toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ sự cống hiến to lớn của đồng chí cho Đảng, cho đất nước, cho Nhân dân. Di sản mà Tổng Bí thư để lại rất khổng lồ, không chỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn trên nhiều lĩnh vực khác.