Hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024):

Ước nguyện cuối đời của cựu biệt động Sài Gòn "Thu Bà Điểm"

Thứ Năm, 25/07/2024 15:39

|

(CATP) Kiên cường chiến đấu với căn bệnh nan y giai đoạn cuối, bà Trần Thị Yến Ngọc (vợ Liệt sĩ Bùi Văn Huỳnh) mừng rơi nước mắt khi nghe tin đồng chí Bí thư Thành ủy chủ trì cuộc họp ngày 22/7/2024 xem xét việc "lập Bia tưởng niệm các Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG) tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM". Đây là một trong hai ước nguyện cuối đời của cựu BĐSG, trước lúc về với đồng đội…

Ngày hợp hôn - ngày chia xa…

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bà Trần Thị Yến Ngọc thoát ly năm 1964 khi mới 14 tuổi, được tổ chức đưa vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Tại đây, cô bé Ngọc vừa làm công tác hậu cần, chăm lo sản xuất (trồng lúa, cắt cỏ tranh lợp nhà, may y phục...) vừa tranh thủ học chính trị, quân sự (cứu thương, quân báo...)

Cuối năm 1967, thiếu nữ tuổi 17 có cái tên mới Trần Thị Lệ Thu (bí danh "Thu Bà Điểm") gia nhập lực lượng BĐSG, thuộc Đơn vị Bảo đảm chiến đấu A20-A30 (Đơn vị A20-A30). Đơn vị này được chính thức thành lập năm 1964, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Đơn vị có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ vùng giải phóng vào nội thành; xây dựng cơ sở, hầm bí mật cất giấu vũ khí và tổ chức đường dây giao liên, đưa rước cán bộ, chiến sĩ ra vào nội thành chiến đấu.

Bà Ngọc say sưa kể, hơn 10 năm hoạt động, Đơn vị A20-A30 đã lập 325 cơ sở cách mạng và 12 hầm chứa vũ khí trong lòng địch ở Sài Gòn. Với lòng yêu nước, bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo, lực lượng A20-A30 đã đưa khoảng 12 tấn vũ khí được ngụy trang khéo léo trong những bộ ván gõ, thùng xe hai đáy, giỏ cần xé rau cải, cà chua, trái cây..., vượt qua hàng loạt trạm kiểm soát, đưa đến các hầm chứa vũ khí trong nội thành, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Được phân công làm liên lạc cho Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định, kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng BĐSG Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), Thu Bà Điểm như con thoi đưa thư từ, mệnh lệnh đến các đội biệt động thành đánh mục tiêu chiến lược trong nội đô Sài Gòn.

Bà Ngọc gặp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bìa phải) và Đại tá Nguyễn Đức Hùng tại buổi họp mặt kỷ niệm 40 Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Cựu BĐSG nhớ mãi câu chuyện của hơn nửa thế kỷ trước: Một ngày cuối tháng 01/1968, bà đến Bộ Chỉ huy tiền phương đóng tại quán phở Bình, số 7 Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng, Q3) để nhận lá thư của chỉ huy Tư Chu mang đến khu vực chợ Hòa Hưng giao cho Trưởng phòng Quân báo Quân khu Lê Nam Hà (Năm Hà). Trong tà áo dài thướt tha của một nữ sinh trường Trưng Vương, Thu Bà Điểm đến điểm hẹn bằng xích lô. Trên đường đi, nhìn thấy quân lính ngụy quyền rất đông, trong tình thế cấp bách, nữ giao liên bỏ ngay thư vào miệng "nuốt chửng", rồi vượt qua các trạm kiểm soát, đến điểm hẹn an toàn. Bà truyền tin cấp trên giao ông Năm Hà nhận 7 chiến sĩ biệt động tại "Garage Dương Văn Đức" ở hẻm Lê Văn Duyệt (nay là số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, P13, Q10) của ông Dương Văn Đức, để chuẩn bị đánh Tổng nha cảnh sát. Vị chỉ huy hỏi về lá thư, nữ giao liên nhanh nhẹn: "Nuốt rồi! Nếu không, chú là người bị bắt trước tiên, rồi 7 chiến sĩ cũng khó thoát".

Cuộc Tổng tiến công kết thúc, bà Ngọc được giao nhiệm vụ đến Garage Dương Văn Đức nhận cán bộ, chiến sĩ bị thương đưa về các đơn vị hậu cần ở ngoại thành chăm sóc. Sau đó, bà được điều sang Campuchia, làm công tác tải thương ở chiến trường này.

Năm 1971, trong lúc đang làm nhiệm vụ, bà nhận tin chồng anh dũng hy sinh. Cựu BĐSG bùi ngùi nhớ lại: "Tôi gặp anh Bùi Văn Huỳnh (SN 1946) vào năm 1966, khi đó anh là một tay súng thiện xạ, bảo vệ căn cứ, tham gia các trận chống càn, lập nhiều chiến công. Hai bên phải lòng nhau, được đơn vị chấp thuận, tổ chức lễ cưới năm 1967, đãi món cháo gà. Nồi cháo vừa nấu xong cũng là lúc địch càn quét, anh Huỳnh và các đơn vị trở về vị trí chiến đấu, tôi thì tham gia cứu thương. Sau trận càn, các đơn vị chia thành nhiều hướng, sơ tán khẩn trương. Ngày hợp hôn, chưa phút ân ái thì chia tay rồi mất nhau mãi mãi!".

Bà Ngọc bên danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đơn vị A20 - A30

Ước nguyện cuối đời

Hiến dâng cả tuổi xuân cho cách mạng, về già, nữ cựu BĐSG vẫn không ngơi nghỉ. Tại Bảo tàng BĐSG - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải, Q1), bà Ngọc trở thành nhân chứng lịch sử, kể những câu chuyện sống động về lực lượng biệt động "xuất quỷ nhập thần" với những trận đánh huyền thoại.

Với vai trò Trưởng Ban liên lạc Đơn vị A20-A30, bà Ngọc đặc biệt chú trọng đến công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân công lao của những đồng đội đã từng "vào sinh ra tử". Năm 2022, Đơn vị A20-A30 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Cách Mạng Tháng Tám thành công. Đây là niềm vui, vinh dự to lớn của bà Ngọc và đơn vị sau nhiều năm chờ đợi.

CBCS lực lượng Công an đến thăm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Đầu năm 2024, căn bệnh nan y đã vào giai đoạn cuối khiến bà Ngọc không thể đi lại. Nhưng khi hay tin Đại tá Trần Đức Thơ - Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt CLB) ra đi ngày 23/4/2024, bà vẫn quyết tâm đến viếng và tiễn ông lần cuối.

Lúc còn sống, Đại tá Thơ cùng CLB và bà Ngọc luôn sát cánh thực hiện hai mục tiêu liên quan đến việc lập Bia tưởng niệm các Liệt sĩ BĐSG tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM và "Garage Dương Văn Đức" - một sở cách mạng của BĐSG được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Một tuần trước khi mất, Đại tá Thơ ký công văn gửi lãnh đạo TPHCM đề nghị xem xét việc lập bia tưởng niệm. Ngày 25/5/2024, CLB tiếp tục có Công văn số 14/CV-CLB gửi lãnh đạo TP.

Bà Trần Thị Yến Ngọc và Đại tá Trần Đức Thơ tại Garage Dương Văn Đức

Nằm trên giường bệnh, cựu BĐSG vẫn không quên tâm tư của Đại tá Thơ, cũng là nỗi niềm của bà: "Tôi vẫn còn "nợ" các liệt sĩ BĐSG. Rất nhiều chiến sĩ biệt động đã hy sinh, thi thể bị giặc thủ tiêu, đốt xác... Đây chính là những Anh hùng, liệt sĩ vô danh, hy sinh thân mình cho Tổ quốc nhưng khi nằm xuống thì không ai biết tên, biết tuổi, biết quê quán do tính chất ngăn cách bí mật đặc thù của lực lượng. Chính vì lẽ đó, chúng tôi mong TP dành một khu đất trong Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM để lập bia cho các đồng chí ấy, để khi đến dịp lễ Tết, các cấp lãnh đạo, người dân TP và thân nhân các gia đình liệt sĩ có thể đến để dâng hương tưởng niệm, thăm viếng...".

Dù trên giường bệnh, bà Trần Thị Yến Ngọc vẫn đau đáu về việc lập Bia tưởng niệm các Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM

Sáng 23/7/2024, ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm thường trực CLB cùng anh Trần Vũ Bình (con trai cựu BĐSG, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, tức Mai Hồng Quế, Năm Lai, Năm U.SOM) đã đến thăm bà Ngọc tại nhà riêng ở P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức, thông báo tin vui để bà yên tâm. Trước đó, chiều 22/7/2024 Thường trực Thành ủy đã tổ chức cuộc họp do Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì, để xem xét việc lập Bia tưởng niệm và Bia di tích các trận đánh của BĐSG Xuân 1968.

Cựu BĐSG rưng rưng nước mắt vì ước nguyện của bà và Đại tá Thơ cùng CLB sắp thành hiện thực. Như vậy, chỉ còn một mục tiêu, ước nguyện cuối cùng chưa thực hiện xong liên quan đến "Garage Dương Văn Đức" (sau năm 1975 đổi tên thành Garage Tự Lực).

Ngày 08/4/2024, bà Ngọc có "Bản tường trình bổ sung" dài 7 trang gửi lãnh đạo TP, khẳng định "Garage Dương Văn Đức" là cơ sở cách mạng "bảo đảm chiến đấu" của lực lượng BĐSG, xứng đáng xếp loại di tích lịch sử để TPHCM có thêm "địa chỉ đỏ”, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta...

Bình luận (0)

Lên đầu trang