TPHCM: Tiến hành thu thập mẫu AND người thân để xác định danh tính liệt sĩ

Thứ Sáu, 26/07/2024 16:33  | Ngọc Anh

|

(CAO) Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, ngày 26/7, tại Trung tâm Y khoa Vạn Hạnh (số 159 Trần Quốc Thảo, P.9, Q.3), Công an TPHCM đã phối hợp với Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, Sở Lao động – Thương binh –Xã hội TPHCM và Công ty GENSTORY tổ chức thực hiện thu nhận mẫu AND cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn TP.

Đau đáu nỗi đau chưa tìm được người thân

7 giờ 30 sáng công việc mới bắt đầu, nhưng từ rất sớm, thân nhân các liệt sĩ đã có mặt, dường như ai cũng hết sức mong ngóng bởi với họ, đây là hy vọng cuối cùng trong hành trình dài hàng chục năm tìm người thân chưa biết hiện đang nằm lại ở đâu.

Ông Nguyễn Trường Sơn trầm ngâm đọc lại thông tin giấy báo tử của anh trai là liệt sĩ Nguyễn Sỹ Lĩnh

Mang theo ảnh, giấy báo tử của người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Sỹ Lĩnh (SN 1947, quê Đô Lương, Nghệ An), ông Nguyễn Trường Sơn (SN 1948) đến Trung tâm y tế Vạn Hạnh từ trước 7 giờ sáng. Lặng lẽ ôm di ảnh của anh trai ngồi ở một góc phòng, ông Sơn chia sẻ: “Mong mỏi lớn nhất của gia đình chúng tôi là tìm thấy hài cốt của anh Lĩnh để đưa anh về bên cha mẹ tôi cho ông bà yên lòng. Mẹ tôi mất cách đây 3 năm ở tuổi 102, trước lúc mất, bà vẫn trăn trối “cố gắng tìm thằng Lĩnh, mang về quê hương”. Bởi vậy khi nhận được thông tin thu nhận AND nhằm tìm nhân thân liệt sĩ, anh em chúng tôi rất mừng! Hy vọng mong ước của cả gia đình sẽ thành hiện thực”. Ông Sơn cho biết thêm, liệt sỹ Lĩnh nhập ngũ năm 1964, khi mới 17 tuổi, thời gian đầu đóng quân ở Quảng Bình, gia đình vẫn nhận được thư nhưng sau đó bặt tin, đến năm 1973, gia đình nhận được Giấy báo tử. Trong giấy ghi liệt sỹ Lĩnh hy sinh tại mặt trận phía Nam vào năm 1968.

Ông Phạm Văn Hết làm thủ tục trước khi lấy mẫu xét nghiệm ADN

Đến từ huyện Hóc Môn, ông Pham Văn Hết (SN 1955) cho biết ông muốn tìm anh trai thứ 6 là liệt sĩ Phạm Văn Hò. Ông Hò hy sinh vào năm 1972 ở Tây Ninh, đến năm 1975 thì gia đình ông Hết nhận được Giấy báo tử. Người chú bà con cùng đơn vị là người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Hò nhưng sau giải phóng, ông cùng gia đình liệt sĩ Hò quay lại vài lần vẫn không thể tìm ra vị trí ngôi mộ do thời gian và chiến tranh khiến cảnh vật xáo trộn quá nhiều.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn (SN 1950, Thiếu tá Quân đội về hưu) đến với chương trình để tìm anh trai song sinh là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ. Ông Tấn kể năm đó 2 ông đang học lớp 8 thì cả lớp cùng nhập ngũ, cả thầy lẫn trò. Sau thời gian huấn luyện, ông Tấn được đưa đi học lái xe ở Thanh Hóa còn ông Mỹ vào Nam luôn. Sau khi học lái xe, ông Tấn theo đơn vị “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và cũng bặt tin người anh song sinh từ đó. Sau giải phóng, gia đình ông Tấn nhận báo tử báo ông Mỹ hi sinh năm 1972 tại Tây Nam. Thông tin về đơn vị cũng như nơi hy sinh, mộ phần của ông Mỹ rất rõ ràng nhưng đến nay sau nhiều năm tìm kiếm, gia đình vẫn chưa đưa được hài cốt ông về quê hương.

Ông Tấn cho biết, được sự quan tâm của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ nhiệt tình Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cũng như đồng đội của ông Mỹ, gia đình ông Tấn đã nhiều lần qua tận tỉnh Kampong Cham (Campuchia), nơi ông Mỹ được chôn cất để tìm kiếm nhưng không thể xác định được vị trí mộ phần. “Gia đình tôi đã nhờ cả nhà ngoại cảm nhưng vẫn vô vọng. Lần này được thu mẫu AND, sự chính xác của khoa học cùng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, tôi tin sẽ tìm được anh tôi”, ánh mắt người cựu chiến binh ánh lên niềm hy vọng.

Việc làm ý nghĩa và nhân văn

Hiện nay, cả nước ta còn khoảng 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin, gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập.

Ngày 23/7/2024, Bộ Công an đã phối hợp với Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã ra mắt ngân hàng Gen (AND) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Mẫu ADN của các liệt sĩ chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân sẽ được giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gene. Mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính khoảng 20.000 mẫu bằng phương pháp giám định AND, xác minh 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Tất cả thân nhân liệt sĩ thiếu thông tin đều được xét nghiệm miễn phí, có thể liên hệ Sở Lao động - Thương binh - Xã hội các địa phương để được hỗ trợ thực hiện.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh – Phó trưởng Phòng PC06 Công an TPHCM nói về ý nghĩa của chương trình

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Việc thực hiện lấy mẫu AND chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. “Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, linh thiêng, đòi hỏi phải gấp rút, chạy đua với thời gian để tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ càng nhanh càng tốt, vì thời gian và điều kiện môi trường khắc nghiệt không cho phép kéo dài”, Thượng tá Lãnh nói.

Các liệt sĩ có thân nhân đến lấy mẫu AND ngày hôm nay đều hy sinh vào khoảng thời gian 1966-1972, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vật đổi sao dời, những vùng đất tan tác vì chiến tranh đều đã thay áo mới, việc tìm kiếm trở nên hết sức khó khăn. Cô Lý Thị Sáu (SN 1951) biết rõ chị gái là liệt sĩ Lý Thị Thanh Dũng (SN 1943) hy sinh ở đồi Yên Ngựa, cây số 142 Quốc lộ 20 nhưng bao lần trở đi trở lại, gia đình cô vẫn chưa tìm được hài cốt của người chị hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi. Cô Lý cho biết, cảnh vật thay đổi quá nhiều nên gần như không thể tìm lại vết tích xưa...

Bình luận (0)

Lên đầu trang