(CATP) Việc một số tuyến đường cao hơn hoặc thấp hơn nhà dân khá lớn, gây khó khăn trong việc đi lại, kinh doanh của người dân đã được báo chí phản ánh liên tục trong thời gian qua. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã nêu vấn đề này với Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nhà Bè sáng 8-6.
Nâng đường chống ngập!
Dư luận từng rất bức xúc khi nhìn thấy bức tường cao gần 2m, chắn trước cửa nhiều nhà dân trên đường Kinh Dương Vương (địa phận Q.Bình Tân). Bức tường quá cao, lại chắn trước cửa khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn. Nhiều hộ đang buôn bán, kinh doanh bỗng bị che khuất, đành phải chuyển đi nơi khác.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chất vấn Giám đốc Sở GTVT
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là một trong những tuyến đường thường xuyên “chìm trong nước” sau mỗi trận mưa lớn hoặc khi triều cường dâng cao. Bức tường này được xây dựng với mục đích... chống ngập. Theo đó, bức tường cao chắn trên đường Kinh Dương Vương được tính từ cơ sở mức triều cao nhất là 1m68, mép vỉa hè được tính ở mức 1,7m để hạn chế tình trạng ngập úng trong mùa mưa năm nay. Hiện trục đường Kinh Dương Vương có cốt nền tính theo mức triều rất thấp, chủ yếu dưới 1m nên khi nâng đường lên cao đột ngột, nhiều nhà dân bỗng trở thành “hầm”.
(CAO) Để giải quyết tình trạng ngập nước trên tuyến đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM), cơ quan chức năng tiến hành nâng đường khiến hàng trăm hộ dân hai bên đường 'sống dở, chết dở' vì nhà họ bị lọt thỏm phía dưới.
Điều tương tự cũng xảy ra trên đường Bạch Đằng (phường 2, Q.Tân Bình) với chiều cao đường hơn nhà dân đến 1,6m. Giải thích về việc này, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT cho biết, dự án này đã được Khu quản lý giao thông số 1 thông tin về độ cao cốt nền cho UBND quận Tân Bình từ khoảng năm 2008. Nhiều năm sau đó, dự án mới được khởi công, việc cung cấp thông tin cho dân thế nào là việc của quận. Trong khi chưa có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng, người dân chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau khi mỗi năm đường lại được “nâng cấp” cao hơn. “Hầm” của họ theo thời gian lại sâu hơn một chút.
Công khai thông tin dự án
Cũng trong cuộc họp hôm qua, ông Cường thông tin, lãnh đạo UBND TPHCM đã đi kiểm tra và sẽ có biện pháp xử lý hài hòa, đảm bảo cuộc sống cho người dân. “Đối với nhà dân đang xây sẽ được đề nghị kịp thời hạ cốt xuống. Trường hợp đường đang làm sẽ có những bậc thang kết nối lên nhà dân, hoặc làm đường gom, mỗi đoạn 5 - 6 hộ sẽ có đường đi xuống” - ông Cường nói và nhấn mạnh thêm, việc xử lý phải đảm bảo hài hòa và kiểm soát được mức triều cường.
Công trình chống ngập trên đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân là bức tường cao gần 1,5m chắn trước cửa nhà dân
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất, tính đến thời điểm hiện nay là chưa thể kiểm soát được triều cường. Vì vậy, việc nâng đường để chống ngập giống như câu chuyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” trong truyền thuyết vậy. Mỗi khi triều cường dâng cao thì lại nâng cấp đường. Hộ dân nào đủ điều kiện thì “nâng cấp” nền nhà theo, còn hộ nào khó khăn thì đành “sống chung với nước”.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, trên địa bàn TP còn những tuyến đường thấp hơn nhà khá nhiều, như đường Hồng Hà, đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua công viên Gia Định đến đường Trường Sơn). Trong quá trình triển khai, do chủ đầu tư thiếu cung cấp thông tin cho dân nên trong quá trình sửa chữa, người dân đã xây nhà cao hơn đường.
Sau khi nghe báo cáo, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lưu ý Sở GTVT trong quá trình triển khai dự án phải cung cấp thông tin công khai, rõ ràng cho người dân để bà con biết cao độ của các tuyến đường và có sự điều chỉnh cốt nhà phù hợp, tránh tình trạng đường cao hơn hoặc thấp hơn nhà quá nhiều, gây khó khăn trong sinh hoạt của dân.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã thị sát công trình Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân). Làm việc ngay sau chuyến thị sát, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng dự án nâng đường Kinh Dương Vương đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Ông Phong phê bình chủ đầu tư dự án thi công tắc trách, phê bình UBND Q.Bình Tân và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập vì đã làm chưa tốt việc công bố quy hoạch, lấy ý kiến dân. Theo chỉ đạo của ông Phong, các đơn vị liên quan phải nhanh chóng tìm ra giải pháp, phối hợp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè, bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực. Đồng thời, phải tính toán, thống kê thiệt hại cụ thể của người dân để hỗ trợ thỏa đáng.