21 người ngoài Đảng trúng cử ĐBQH khóa XIV

Thứ Tư, 08/06/2016 10:29  | Hải Triều

|

(CAO) Trong phiên họp Hội đồng bầu cử quốc gia diễn ra sáng nay (8-6), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cả nước đã bầu được 496 người, đại biểu do Trung ương giới thiệu 182/197 người trúng cử, cơ quan Đảng 12/12, cơ quan Chủ tịch nước 3/3, cơ quan Quốc hội 104/113, cơ quan Chính phủ 17/17, Bộ Quốc phòng 15/15, cơ quan công an 3/3….

Trong số 15 người do Trung ương giới thiệu không trúng cử, có 7 người được giới thiệu về TP.HCM và 4 người được giới thiệu về Hà Nội.

Về cơ cấu kết hợp, trong số những người trúng cử, dân tộc thiểu số là 86 người (17,30%), thiếu 4 người; phụ nữ 133 người (26,80%), thiếu 17 người so với dự kiến; ngoài đảng có 21 người trúng cử, (tỷ lệ 4,20%), giảm 4,2% so với khoá 13 (42 người). Dưới 40 tuổi có 71 vị trúng cử, cao hơn 21 người so với dự kiến, tăng 1,9% so với khoá 13. Trình độ trên đại học 310 người (62,50%) đại học 180 người, dưới đại học 6 người, tái cử 160 người (32,30%) giảm 6 người. Như vậy, Quốc hội khóa XIV có 317 tân đại biểu. Đại biểu tự ứng cử 2 người, giảm 2 người so với khoá trước.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Về kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, theo ông Phúc, có 3908 người trúng cử, thiếu 8 đại biểu. Cấp huyện là 25.179 người, thiếu 120 đại biểu và cấp xã là 291.273 người, thiếu 6.626 đại biểu.

Theo đánh giá của Hội đồng bầu cử quốc gi, cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng, việc đóng góp ý kiến, hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn, chất lượng, tổ chức vận động bầu cử đến việc bỏ phiếu, kiểm phiếu. Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng lưu ý hạn chế là cơ cấu đại biểu chưa đạt như định hướng, dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, người ngoài Đảng. Việc loại một số ứng cử viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội trong hiệp thương lần thứ ba mà được cử tri nơi cư trú, cử tri ở cơ quan tín nhiệm đã gây dư luận không tốt.

Ngoài ra, vẫn còn trường hợp vận động bầu cử thiếu bình đẳng. Tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn chưa được khắc phục. Hội đồng bầu cử quốc gia cũng cho rằng, việc phân bổ các ứng cử viên ĐBQH giữa Trung ương và địa phương có nơi trong một đơn vị bầu cử còn chưa đảm bảo tính hợp lý, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa các ứng cử viên, thể hiện rõ sự chênh lệch về trình độ, năng lực, vị trí công tác của các ứng cử viên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang