(CATP) “Hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi cả quá trình vận động, phát triển của đất nước ta” - T.S Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện cán bộ TPHCM) chia sẻ như vậy với phóng viên Báo CATP, nhân nói về sự kiện trọng đại này. Sau hơn một thế kỷ có tính khai phá ấy, theo T.S Hùng, còn nhiều điều khiến chúng ta trăn trở.
Đi trước thời đại
Phóng viên: Nhiều đánh giá cho rằng hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử dân tộc và vận mệnh dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông có thể nói gì về nhận định này?
| T.S Nguyễn Việt Hùng: Ngày 5-6-1911, tại cảng Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên gọi lúc đó là Văn Ba đã đi tìm đường cứu nước. Đó là một ngày bình thường thôi, trong một năm cũng bình thường nhưng đối với dân tộc Việt Nam là một sự kiện mang tính bước ngoặt bởi nó là dấu hiệu chỉ báo sẽ đưa tới một sự thay đổi về mặt lịch sử đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam, nhất là về con đường vận động phát triển của dân tộc ta. Chính vì thế, đánh giá đây là một sự kiện làm thay đổi cả quá trình vận động, phát triển của đất nước ta là hoàn toàn đúng đắn. |
- Thay đổi mà ông nói cụ thể là gì?
| T.S Nguyễn Việt Hùng: Tôi cho rằng sự kiện này đã mở ra ba điều quan trọng: Thứ nhất là nó khởi đầu sự đổi mới tư duy của những người yêu nước Việt Nam trên cơ sở đánh giá toàn bộ lịch sử trước đó của cha ông, đặc biệt là sau 53 năm thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam. Trong sự đánh giá này có cả sự cay đắng, nhưng đó là sự thật, rằng tất cả những phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp, dù bằng màu sắc chính trị gì, dưới sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng nào đều đã thất bại. Dấu ấn thứ hai là tư duy mới này được hình thành trên cơ sở tri thức khi đánh giá toàn bộ hơn nửa thế kỷ thực dân Pháp đến xâm lược và cai trị Việt Nam. Bên cạnh sự nhìn nhận bản chất dã man của chủ nghĩa thực dân cũ, thế hệ thanh niên mới cũng nhìn nhận được những giá trị tiếp biến về văn hóa, nhìn nhận được những biểu hiện về văn minh mà nền cai trị của thực dân Pháp mang đến Việt Nam. Đây chính là một cách tiếp cận hết sức khoa học, đó là biết mình biết người. Ở độ tuổi 21 mà có tư duy lý tính như thế thì tôi cho rằng đó là chỉ dấu của thiên tài. Điểm thứ ba, sau hơn một thế kỷ, chúng ta thấy Nguyễn Tất Thành - Văn Ba chính là người đặt những dấu chấm phá đầu tiên trong tư duy về toàn cầu, trong nhận thức về mở ra thế giới. Suy nghĩ này càng đặc biệt khi trước đó ở Việt Nam là hàng nghìn năm phong kiến, khi triều Nguyễn đã thực hiện những chính sách bế quan tỏa cảng, khi mà các phương tiện giao lưu quốc tế hầu như còn rất hạn chế. Cách nghĩ của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba mang tính đi trước, vượt trước thời gian về mặt tầm nhìn, về mặt thời đại. |
T.S Nguyễn Việt Hùng.
Thiếu tỉnh táo sẽ thành lạc quan tếu
- Sau những chỉ dấu có tính khai phá đó, ông thấy tư tưởng của Hồ Chí Minh đã được vận dụng thế nào trong tiến trình phát triển của đất nước?
| T.S Nguyễn Việt Hùng: Trong cương lĩnh xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được bổ sung phát triển năm 2011, Đảng đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng quý báu, là ngọn cờ mãi mãi dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi tới thắng lợi. Khi chúng ta thừa nhận đây là ngọn cờ dẫn đường thì nó chính là mục tiêu để dẫn dắt chúng ta vượt qua thử thách hướng tới tương lai. Đường lối đổi mới của Đảng thực chất là trở lại những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang chủ động tích cực hội nhập sâu rộng vào thế giới. Chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã được song hành với quan điểm của Hồ Chí Minh là “Việt Nam là bạn của thế giới”. Một điểm dễ nhận thấy là Đảng có những sáng tạo mới để bổ sung phát triển cho những giá trị sáng tạo bền vững của Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng tất cả các giá trị đó còn được bổ sung, được phát triển bằng một quan điểm chủ đạo, đó là toàn bộ mục đích của Đảng, Nhà nước là vì dân phục vụ. Theo tôi, thành tựu của hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam là minh chứng đầy thuyết phục cho những giá trị và khát vọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng chúng ta phải day dứt vì chúng ta còn chậm quá. Cả thế giới, cả khu vực đang lao về phía trước mà ta còn chậm trễ. |
- Theo ông, nguyên nhân của những chậm trễ này là do đâu?
| T.S Nguyễn Việt Hùng: Tôi nghĩ Đảng hoàn toàn đúng về mặt mục tiêu phương hướng, con đường đã lựa chọn. Vậy chúng ta còn thiếu điều gì? Theo tôi, khoảng cách từ đường lối, cương lĩnh đến thực tiễn và thực tế là rất xa. Trong khi đó, chúng ta thiếu những con người có chất lượng cao, kể cả người lãnh đạo cho đến người cán bộ đảng viên ở các cấp, kể cả từ trung ương đến cơ sở. Đại hội XII của Đảng cũng đánh giá công tác cán bộ của Đảng còn nhiều khâu yếu. Nhưng tôi nghĩ, cái yếu nhất vẫn là chất lượng, vai trò của người đứng đầu. Chúng ta thấy là hơn nửa thế kỷ đất nước chìm trong nô lệ nhưng chỉ cần một người kiệt xuất, tìm được chân lý thì đã giúp nhân dân, dân tộc thấy con đường lớn của thời đại. Quần chúng làm nên lịch sử nhưng cũng rất cần vai trò của những cá nhân kiệt xuất. Và những cá nhân kiệt xuất có thể đẩy tiến trình lịch sử tiến nhanh lên hoặc chậm lại. Điều nữa chúng ta còn thiếu là cách nghĩ, cách làm đồng bộ trong một tổng thể. Hiện nay vẫn là tùy tiện, vẫn là tư duy nhiệm kỳ, là lợi ích nhóm, là bệnh cục bộ bản vị địa phương, mạnh ai người đó làm. Chính vì thế mà giẫm chân lên nhau, thậm chí là cạnh tranh triệt tiêu lẫn nhau, loại trừ nhau để có những phần lợi dành cho mình. Đã thế, người Việt Nam lại có biểu hiện tự bằng lòng với mình. Việt Nam cứ phải nhất Đông Nam Á, làm cái gì cũng phải là số 1. Khi chúng ta còn tự mãn như thế, còn kiêu ngạo như thế thì chúng ta không bao giờ tiến bộ được. Chúng ta đổi mới 30 năm là đi bước dài đấy chứ. Nhưng bước dài đó là so với Việt Nam, so với quá khứ gần của chúng ta, còn so với khu vực và thế giới thì ta tụt hậu. Không nhìn nhận mình một cách nghiêm khắc thì làm sao có thể tiến lên? Khi Bác Hồ tìm đường cứu nước tức là Bác thừa nhận tất cả tinh hoa của dân tộc nhưng Bác cũng nhận ra đã đến mức giới hạn. Tôi cho rằng đây là bài học rất lớn. Và nếu chúng ta không tỉnh táo thì chúng ta lại trở thành lạc quan tếu, như đã nhiều lần lạc quan tếu. |
-Không biến ai thành con tin của niềm tin
- Ông vừa nói chúng ta đang thiếu những cá nhân kiệt xuất. Phải chăng đây là lý do khiến ai đó nghĩ rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cách “dựa dẫm” vào thần tượng?
| T.S Nguyễn Việt Hùng: Không đúng! Chúng ta không biến bất kỳ ai thành con tin của niềm tin, kể cả Hồ Chí Minh. Chúng ta không thánh hóa bất kỳ ai, kể cả Hồ Chí Minh. Nhưng chính giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh được thể hiện dưới góc độ là di sản tư tưởng; con người, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được giữ lại bằng tính biểu tượng và những khát vọng Hồ Chí Minh dành cho nhân dân, dân tộc mình, nhân loại và thời đại là những giá trị chỉ đường cho chúng ta đi. Hồ Chí Minh không tái sinh hoàn kiếp để làm thay công việc của chúng ta, nhưng trong tầm nhìn rất xa nữa vào tương lai của dân tộc, của thời đại, những giá trị Hồ Chí Minh vẫn tỏa sáng. Tôi cho rằng đây mới là căn cứ của niềm tin, mới là niềm khao khát của chúng ta hôm nay. |
Đoàn Công an TP.HCM dâng hương và chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM (Bến Nhà Rồng) nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2016)
- Dường như chưa thấy người đứng đầu nào được biểu dương khi tổng kết, sơ kết học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thưa ông?
| T.S Nguyễn Việt Hùng: - Cơ chế của mình hiện nay là cơ chế tập thể nên nếu người đứng đầu là người xuất chúng, người giỏi thì sẽ lấn lướt tập thể. Nếu anh tốt, anh vượt lên thì anh làm lu mờ tập thể và đó là cái mầm báo trước để anh rơi vào cá nhân chủ nghĩa, tự đề cao. Nếu anh yếu thì tập thể vượt lên và việc tìm được dấu ấn của người đứng đầu rất khó. Chủ nghĩa trung bình trong đội ngũ lãnh đạo rất cao. Nhô lên là “trúng đạn”, lùi xuống thì tụt hậu nên không thấy nổi trội con người kiệt xuất. Còn nhân tài có không? Có. Nhưng vì chủ nghĩa trung bình đó nên khó cho người tài lên. |
- Nhưng khi vai trò của cá nhân không được đề cao thì trách nhiệm cá nhân cũng không rõ ràng? Mà không minh bạch trách nhiệm thì rất khó để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh?
| T.S Nguyễn Việt Hùng: Sinh thời Bác rất thích dùng chữ “thật” trong các bài nói về xây dựng Đảng, đạo đức, có nghĩa là Bác mong chúng ta làm thật, sống thật. Chưa làm được điều đó là chúng ta đang sống giả, làm giả. Mà với cách đánh giá định tính như hiện nay thì ai cũng tốt cả. Đấy có phải là sống giả không? Trị bệnh thì phải trị tận căn. Khi ta không thừa nhận tiêu cực mang tính hệ thống liên quan đến sự sống còn của Đảng thì ta mới chữa bệnh theo kiểu uống thuốc để làm dịu cơn đau. Chỉ là giải pháp tình thế cho đỡ bức xúc thôi. Tôi lấy ví dụ, chúng ta cứ khẳng định tuyên chiến với tham nhũng. Nhưng chúng ta rất mạnh về “tuyên”, còn “chiến” thì rất hạn chế, vì “chiến” là lại đụng tính hệ thống. Chỉ khi nào làm được như Hồ Chí Minh là có công thì thưởng, có lỗi thì trừng, bất kể là ai thì mới được. Hiện nay chúng ta có đề ra và thực hiện nhưng chưa làm được như kỳ vọng của nhân dân. |
- Xin cảm ơn ông!
Hôm nay (3-6), tại Hội trường TPHCM, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại”. Đây là hoạt động lớn kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Tại hội thảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ cùng nhau đánh giá về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người và tác động của sự kiện này đối với lịch sử cũng như tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. |