(CAO) Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 2-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Trao đổi với báo chí về việc Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) sắp đưa ra phán quyết liên quan đến việc Philippines cho rằng Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình
"Chúng tôi mong muốn PCA đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, và yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong Công ước quan trọng này", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Philippines đệ đơn kiện lên PCA vào năm 2013, nước này cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS) và cần được tuyên bố là không có căn cứ.
Luật sư Andrew Loewenstein của đoàn Philippines tự tin khẳng định tại tòa: “Tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là vô vọng và không thể bảo vệ khi chiếu theo luật pháp quốc tế”.
Theo đó, lập luận chính của Manila là các bãi đá ngầm như Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, đá Ken Nan, đá Subi, đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) mà một số trong đó bị Trung Quốc cưỡng chiếm, tuyên bố chủ quyền phi pháp đều nằm dưới mực nước triều do UNCLOS quy định. Vì thế không thể lấy các bãi đá này để thiết lập chủ quyền với vùng nước xung quanh như cách Bắc Kinh trước nay vẫn vin vào.
(CATP) Phiên điều trần của Philippines trước Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague nhằm phản bác yêu sách “chủ quyền” tự xưng của Trung Quốc trên Biển Đông, đã kết thúc vào ngày 30-11-2015.