Nếu TPHCM suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ giảm số thu ngân sách

Thứ Sáu, 31/07/2020 20:23

|

(CAO) Ngày 31/7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TPHCM đã có buổi làm việc để lấy ý kiến Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng về đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 -2030” để tăng thu ngân sách nộp về Trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững.

Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

TPHCM luôn xác định các đột phá để phát triển

Theo đề án, TPHCM đề xuất xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại lên 23% giai đoạn 2022 - 2025; 26% giai đoạn 2026 - 2030 (bằng với tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách hai giai đoạn trước liền kề 2011 - 2016; 2007 - 2010) là cần thiết và cấp bách.

Theo đề án, khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% hiện nay lên 23%, tổng thu ngân sách nhà nước chuyển Trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển Trung ương sẽ tăng thêm 343.861 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 14,76 tỷ USD.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM này là một nội dung của Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, vì vậy TPHCM sẽ hoàn thành sơ kết ngay Nghị quyết 54, đưa vào thành một chương của đề án.

Theo đó sẽ nói rõ những điểm làm được, chưa làm được của Nghị quyết 54, trong đó có những chính sách chưa có điều kiện phát huy do còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (nguồn vốn từ cổ phần hóa, bán nhà, đất của Trung ương trên địa bàn, nguồn thu thuế...).

Việc tăng thu một số loại phí cũng chưa làm được nhiều, khiến cho việc tự chủ tăng nguồn thu của TPHCM theo Nghị quyết 54 còn hạn chế. Do đó, hiện nay TP chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, ảnh hưởng đến việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu TPHCM suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm số thu ngân sách nhà nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TPHCM luôn xác định các đột phá để phát triển trên cơ sở bám sát các đột phá của Đảng về thể chế, nhân lực, hạ tầng. TP không phải chỉ dựa vào nguồn điều tiết ngân sách để phát triển, mà là đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả tiền vốn, phát triển nguồn lực nhân lực, doanh nghiệp chủ lực, đất đai, chính sách, hoạch định chính sách…

Về cơ sở pháp lý của việc đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương cho TPHCM, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Luật ngân sách nhà nước quy định phải giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách, khóa sau giảm hơn khóa trước, nếu TPHCM đề nghị tăng lên là trái luật.

Nhưng theo Điều 74 của luật này hướng dẫn thi hành đối với một số nội dung đặc thù thì nêu rõ: Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TPHCM, một số tỉnh thành và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Hà Nội thì theo Luật Thủ đô.

“Do đó, nếu tăng có tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM cũng không trái luật. Còn theo Nghị quyết 54 của Quốc hội thì giao Chính phủ nghiên cứu các chính sách trong tài chính công cũng như đổi mới thể chế để TPHCM phát triển. Như vậy đề xuất này không vướng căn cứ pháp lý” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM nhưng tổng nộp về ngân sách Trung ương lại tăng thêm nhiều, chứ không phải giảm đi. Nếu so với phương án cũ với tỷ lệ giữ lại là 18%, khi tăng lên mà năm đầu tiên ngân sách Trung ương bị hụt hơn thì TPHCM sẽ có trách nhiệm bù vào, TPHCM không bao giờ để Trung ương bị hụt ngân sách, chỉ có tăng thêm.

Không làm giảm nguồn thu ngân sách điều tiết về Trung ương

Góp ý cho đề án, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị quá trình xây dựng đề án, có đầy đủ căn cứ pháp lý, chính trị, cơ sở thực tiễn rõ ràng.

Việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết để triển khai nhiệm vụ rất cụ thể Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa Ngân sách trung ương và địa phương. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 54 có nêu nội dung này.

Đề xuất của TPHCM cũng đã nêu những tác động tích cực: thu chi ngân sách đầu tư, tốc độ tăng trưởng của TP nâng lên rõ rệt, đem lại lợi ích cho cả ngân sách trung ương và sự phát triển của TP cũng như cả nước trong dài hạn. Đặc biệt, không làm giảm nguồn thu ngân sách điều tiết về trung ương.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho rằng, cần có đánh giá sâu sát hơn tác động điều chỉnh điều tiết ngân sách với vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và yêu cầu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TPHCM với các địa phương. Bởi vì nhu cầu vốn ngày càng tăng, tuy nhiên các địa phương khác, các tỉnh còn khó khăn, nhu cầu vốn cũng rất lớn và thậm chí tăng mạnh hơn. Ban Kinh tế Trung ương cơ bản thống nhất với đề xuất của TP về việc điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP giai đoạn 2022 - 2025, 2026 - 2030.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, với đề án của TPHCM, cần nêu rõ những tồn tại ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng TPHCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giảm đóng góp của TP cho Trung ương. Đồng thời, đề án phải bảo đảm có được sự đồng thuận cao trước khi trình ra Bộ Chính trị. Tờ trình của đề án phải thể hiện đúng thực tiễn phát triển của TP, trong đó nêu rõ tỷ lệ điều tiết ngân sách thấp dẫn đến những bất cập, không khuyến khích cho TP phát triển.

Đề án cũng phải nêu rõ được hiệu quả của việc được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách; nêu rõ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM nhưng về số tuyệt đối là không ảnh hưởng đến ngân sách Trung ương, không ảnh hưởng nhiều đến phân bổ ngân sách Trung ương, điều này phải có sự đồng thuận của Bộ Tài chính.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, TPHCM cũng cần làm rõ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách là một trong những bước đi để giúp TP cơ cấu lại kinh tế TP, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, tái cơ cấu lại kinh tế TPHCM, đúng tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Đó cũng là cách để TPHCM kết nối được với vùng kinh tế phía Nam và Tây Nguyên, đóng góp lan tỏa cho kinh tế cả nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang