(CAO) Sự cống hiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được người dân ghi nhận với thái độ trân trọng và sự ra đi của ông để lại thương tiếc cho mọi người.
Hơn hai năm ở cương vị nguyên thủ quốc gia, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại dấu ấn về một người lãnh đạo phụng sự không mệt mỏi cho các mục tiêu chung của đất nước, của dân tộc, cho đến ngày cuối cùng. Sự cống hiến ấy được người dân ghi nhận với thái độ trân trọng và sự ra đi của ông để lại thương tiếc vô hạn cho mọi người.
Bề dày cống hiến của ông không chỉ hình thành trong khoảng thời gian không dài đảm nhận cương vị cao nhất trong bộ máy nhà nước, mà còn trong suốt quá trình tham gia hoạt động chính trị, nghề nghiệp. Đặc biệt, với tư cách là người đứng đầu ngành công an, ông được coi là một cán bộ gương mẫu, trung thành với lý tưởng, tận tụy đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong một lần tiếp xúc cử tri TP.HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ở quê nhà Ninh Bình, hình ảnh ông để lại trong ký ức đồng hương là những hình ảnh đặc trưng cho một tấm gương về vượt khó vươn lên và đi tới. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh, chị em, cha mất sớm, mẹ phải làm nhiều nghề để nuôi sống cả gia đình, người sau này đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước ấy đã từng có một tuổi thơ đặc biệt vất vả. Cùng với các bạn nghèo đồng trang lứa trong thôn, ông đi học một buổi và dành một buổi còn lại để chăn trâu, chăn bò.
Cuộc sống nhọc nhằn không khiến ông chán nản và xao lãng việc học. Trái lại, ông vẫn chăm chỉ, hàng ngày vẫn đi bộ vài cây số đến trường. Cả quãng đời học sinh, từ mầm non đến tiểu học, rồi trung học đều gắn bó với quê nhà; ông được biết đến như một người ham học, có tư chất, thông minh, học giỏi, được các thầy cô giáo yêu thương và bạn học quý mến. Sau này, khi trở thành người được giao nắm giữ trọng trách quốc gia, ông vẫn giữ mối liên lạc với những người thân quen từ thuở hàn vi và vẫn dành cho họ sự quan tâm thăm hỏi mỗi khi có điều kiện trở về quê cũ.
Đối với người dân TPHCM, nơi ông ứng cử và được cử tri tín nhiệm trao vai trò đại biểu Quốc hội, ông được đánh giá là một người gần dân, biết lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của dân và đáp ứng các yêu cầu chính đáng của dân theo khả năng, thẩm quyền, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Trong điều kiện cộng đồng cử tri bao gồm nhiều thành phần, tầng lớp xã hội khác biệt và theo đuổi những lợi ích có thể rất khác biệt, một người đại diện dân cử có trách nhiệm và khéo léo phải biết ghi nhận và tìm cách xử lý thỏa đáng những yêu cầu, đòi hỏi đa dạng, thậm chí trái ngược. Cố Chủ tịch nước đã không ít lần thể hiện kỹ năng giải quyết những bài toán khó về xung đột lợi ích xã hội.
Mặt khác, đại diện cho đất nước trong quan hệ quốc tế, ông đã góp phần củng cố hình ảnh tốt đẹp về đất nước trong mắt bạn bè trên thế giới, cũng như góp phần vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng. Bởi vậy, các nhà lãnh đạo ở các nước, các tổ chức quốc tế cũng coi việc ông ra đi là sự mất mát chung và cũng lên tiếng chia sẻ nỗi đau buồn, với lòng thành kính.
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TPHCM