Chủ tịch nước Trần Đại Quang:

Một tấm lòng, một tấm gương tỏa sáng

Thứ Hai, 24/09/2018 12:09

|

(CAO) Tôi vốn là một nhà giáo có thâm niên giảng dạy 30 năm tại Học viện An ninh nhân dân.

Từ năm 2008 được Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ tín nhiệm cử tham gia Tổ biên tập của Trung ương chuẩn bị dự thảo nội dung Cương lĩnh bổ sung, sửa đổi năm 2011 và nội dung Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, làm việc tại VP4 - Văn phòng Bộ Công an, sau đó được quyết định điều động về công tác tại Viện Lịch sử Công an.

Cơ duyên và may mắn đó cho tôi cơ hội được tiếp xúc, phục vụ và làm việc gần gũi các đồng chí lãnh đạo Bộ, trong đó có Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang...

Hôm nay, nghe tin Anh đột ngột ra đi, lòng vô cùng đau buồn tiếc thương vô hạn. Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt một người Anh gần gũi, người thầy dẫn đường, người lãnh đạo, chỉ huy đáng kính của tôi, một vị Chủ tịch nước gần gũi nhân dân, đồng chí, đồng đội; là hiện thân của tình đoàn kết, hợp tác quốc tế chân tình, sâu sắc; hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, Nhà nước, cống hiến trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đến hơi thở cuối cùng....

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, sáng 12-5-2015

Chủ tịch nước Trần Đại Quang như tôi biết trước hết là một con người cả cuộc đời không một lúc nào ngừng nghỉ phấn đấu, tu dưỡng vươn lên. Nhớ lại câu chuyện sau khi Anh được tín nhiệm của cử tri thành phố Hồ Chí Minh bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII năm 2011, chúng tôi đến chúc mừng Anh tại Văn phòng VK1, sau những câu chuyện chân tình về cuộc đời, về sự nghiệp, về trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, Anh nói một câu thật thấm thía: “Đại biểu Quốc hội là một vinh dự, một trách nhiệm lớn lao, mình càng phải tiếp tục cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa”.

Câu nói đó gây một ấn tượng mạnh đối với tôi, có lẽ đó cũng là một động lực, thêm một bài học quý, một lời dạy giúp tôi và nhiều đồng chí khác không lúc nào dám lơ là trách nhiệm công vụ của mình đượ cgiao, phấ nđấ uliên tụ c, không ngừng vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự được Đảng, Nhà nước và ngành giao phó.

Từ một học sinh phổ thông vào học trong nhà trường Công an nhân dân phấn đấu trưởng thành từng bước, trở thành một cử nhân Luật, một nhà khoa học - lý luận công an, đạt đến học vị tiến sĩ, học hàm Phó giáo sư, Giáo sư ngành Khoa học an ninh; từ một người chiến sĩ - hạ sĩ công an sau bao năm liên tục, kiên trì phấn đấu không ngừng, không mệt mỏi, hết lòng vì công việc được giao, có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc được Đảng, Nhà nước và Ngành công an ghi nhận và thăng quân hàm đại tướng Công an nhân dân v.v...

Những đóng góp quan trọng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với Đảng, đối với đất nước, dân tộc, đối với quốc tế trên nhiều lĩnh vực, rất phong phú đa dạng, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, lĩnh vực tư pháp với cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch nước, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng ban Cải cách Tư pháp của Quốc hội và lĩnh vực đối ngoại đã được thực tiễn khẳng định, được ghi nhận qua nhiều hoạt động tích cực, có hiệu quả và đầy bản lĩnh trong suốt nhiều năm qua.

Ông quan tâm, ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, giải quyết những vấn đề có tầm chiến lược, có liên quan đến vận mệnh, lợi ích quốc gia - dân tộc, đối ngoại, hội nhập của đất nước, nhưng đồng thời không quên và hết sức chú ý quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc về con người, chính sách liên quan đến con người và công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước, đối với những thế hệ cán bộ công an, quân đội có nhiều đóng góp hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc.

Tăng ni, phật tử có mặt tại chánh điện Việt Nam Quốc Tự (TP. Hồ Chí Minh) để tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần

Hơn 6 năm đã trôi qua nhưng trong tôi không bao giờ quên được lời căn dặn của ông khi quyết định giới thiệu điều động tôi về công tác tại Viện Lịch sử Công an: “Chú về Viện Lịch sử Công an công tác tốt hơn là về Viện Chiến lược và khoa học công an (V21), vì nó phù hợp với chuyên ngành và học vị của mình”.

Quả thật sau khi về Viện Lịch sử Công an tôi đã nhanh chóng hòa nhập vào công việc chuyên môn, lần lượt được tín nhiệm giao đảm nhiệm các chức vụ Phó Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện, quyền Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Viện, rồi thiếu tướng Viện trưởng cho đến khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác và nghỉ chờ hưu.

Đặc biệt đồng chí Bộ trưởng rất quan tâm việc khơi dậy, vận dụng và phát huy các giá trị truyền thống nhân văn, các bài học kinh nghiệm lịch sử bảo vệ an ninh trật tự của các thế hệ công an đàn anh đi trước và của dân tộc vào công tác công an. Những cuộc Hội thảo khoa học lịch sử, những đề tài, chương trình tổng kết lịch sử công tác công an đều được đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chủ trì hoặc đồng chủ trì và quan tâm chỉ đạo một cách thiết thực, tích cực, đầy tâm huyết và trách nhiệm.

Điều đó đã tạo được hiệu ứng xã hội và nhân văn rất sâu rộng trong và ngoài lực lượng công an; có tính lan tỏa mạnh mẽ, tạo thêm động lực tinh thần, góp phần giáo dục chính trị - tư tưởng, truyền thống lịch sử Công an nhân dân Việt Nam Anh hùng đối với cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đặc biệt, trên cương vị là người lãnh đạo Bộ, nhất là khi trở thành Bộ trưởng, ông hết sức quan tâm chăm lo đến đời sống tinh thần, tư tưởng, sinh hoạt và cả vật chất của các Câu lạc bộ, Ban liên lạc công an hưu trí ở Bộ và thành phố Hồ Chí Minh, thăm hỏi, tặng quà, gặp mặt nhân chứng lịch sử trong dịp kỷ niệm ngày truyền thống, lúc nào cũng thể hiện một tình cảm chân thành, đầm ấm, thân thiết, tôn trọng và ghi nhận sâu sắc các đóng góp, cống hiến hy sinh của các thế hệ công an lão thành, những thế hệ đi trước.

Khi làm Bộ trưởng Bộ Công an và cả khi đã đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, ông vẫn nhận lời mời tham gia các Hội đồng đánh giá, nghiệm thu, góp ý kiến khoa học cho các công trình lịch sử quan trọng, có tầm vóc của lực lượng Công an, điển hình như: Công trình Tổng kết Công an nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Công trình Lịch sử Đảng bộ Công an Trung ương 1945 - 2015, nhiều Công trình Di tích lịch sử - văn hóa của Công an nhân dân v.v...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi xa ở độ tuổi đang tràn đầy trí tuệ, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho đất nước, cho dân tộc vì một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập. Tổn thất này đối với những thế hệ đi sau, nhất là những người nghiên cứu lịch sử của lực lượng công an được Anh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ bảo, dìu dắt là vô cùng to lớn, không thể có gì bù đắp được. Một lần nữa kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang - một cái tên tỏa sáng và cũng là một tấm lòng, tấm gương sáng để noi theo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang