Giáo sư Bùi Khánh Thế - Nhà ngôn ngữ học suốt đời tận tuỵ

Thứ Sáu, 05/04/2024 07:51

|

(CAO) Tin GS TS NGND Bùi Khánh Thế từ trần (ngày 1-4-2024) không chỉ làm giới Việt ngữ học mà cả những ai từng đứng trên giảng đường đại học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và Trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cảm thấy đau buồn, mất mát. Đó quả là một tổn thất không nhỏ cho giới nghiên cứu khoa học xã hội nước nhà.

GS TS Bùi Khánh Thế, sinh năm 1936, tại Bình Định. Ông vốn dĩ xuất thân không phải là “dân” Ngôn ngữ học chính hiệu. Năm 1964, ông vào học khoa Nga, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp (năm 1968), ông làm công việc giảng dạy tiếng Nga (thời kì đó tiếng Nga đang là ngoại ngữ có rất nhiều người theo học). Tuy nhiên, ông vẫn âm thầm học thêm một văn bằng nữa ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, chuyên ngành Ngôn ngữ chỉ sau khi học xong ĐH Sư phạm HN 1 năm (1969).

 GS TS NGND Bùi Khánh Thế

Từ đây, chàng thanh niên Bùi Khánh Thế (mới hơn ba mươi tuổi đời) hăm hở đi vào con đường nghiên cứu Ngôn ngữ học. Ông đã từng học tập ở Liên Xô nhiều năm, với ý định nghiên cứu “phạm trù thời trong tiếng Việt” và đã không thành công với đề tài này. Nhưng chính điều đó giúp cho ông có kinh nghiệm, tích lũy nhiều kiến thức cũng như trau dồi kĩnăng nghiên cứu. Năm 1981, ông bảo vệ thành công luận án PTS (nay là TS) tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông nhận chức danh PGS 1984, GS 2004, Nhà giáo Ưu tú 1995, Nhà giáo Nhân dân 2000.

GS Bùi Khánh Thế lần lượt đảm đương các chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TPHCM; Chủ nhiệm Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM; Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM (HUFLIT). Ông cũng từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (khóa 2) và tích cực tham gia mọi hoạt động của giới Việt ngữ học trong suốt thời gian công tác của mình.

PGS TS Nguyễn Hữu Đạt, giảng viên khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội, một thời là học trò của GS Bùi Khánh Thế, đã có những dòng hồi tưởng về người thầy của mình: “Lớp chúng tôi có nhiều kỉ niệm với ông. Đó là những kỉ niệm gian khổ của thời kì chiến tranh, vừa học vừa chạy giặc. Khi sơ tán về Hà Tây, lúc chạy sang Hưng Yên rồi Hà Bắc… Ấy vậy mà những kiến thức thầy giảng lại không bị rơi vãi dọc đường. Trái lại, bom đạn càng làm cho thầy trò chúng tôi thêm hăng say và quyết tâm hơn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên những giờ giảng say sưa của GS Bùi Khánh Thế ngày ấy. Có nhiều hôm, trong cái nắng hè chói gắt, không có gió, không quạt điện, lớp học hơn chục người trong một nhà dân vẫn bị cuốn vào cõi đam mê của thế giới khoa học. Ông say sưa giới thiệu cho chúng tôi một số cuốn sách của người Nga, những công trình mới nhất mà ông vừa cập nhật.

 GS Bùi Khánh Thế tại Hội thảo Khoa học “Ngữ học Toàn quốc”, năm 2015 tại TP Hồ Chí Minh

Thời ấy, biết tiếng Nga là một lợi thế rất lớn vì mọi thành tựu nghiên cứu khoa học phần lớn được người Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) lĩnh hội qua cửa ngõ này. Tiếng Nga được thế hệ chúng tôi tiếp cận như là tiếng nói của hòa bình, hữu nghị và là công cụ quan trọng nhất để mở khóa đi ra thế giới. Do ý thức như thế và với định hướng của các thầy, từ năm thứ hai chúng tôi đã bắt đầu tập đọc sách chuyên môn bằng ngoại ngữ. Tất nhiên, khi đó, GS Bùi Khánh Thế vừa với tư cách là giảng viên ngôn ngữ học, vừa với tư cách là một chuyên gia tiếng Nga đã có ảnh hưởng rất nhiều đến định hướng tương lai của chúng tôi.”

GS Bùi Khánh Thế là chuyên gia nghiên cứu về Ngôn ngữ các Dân tộc thiểu số (ngôn ngữ các tộc người) Việt Nam. Ngôn ngữ học Tiếp xúc. Ông là tác giả của rất nhiều công trình khoa học, tiêu biểu như: Nhập môn Ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995; Từ điển Chăm - Việt (chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995; Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại, NXB ĐHQG TPHCM, 2001; Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, NXB ĐHQG TPHCM, 2011; Tiếng Việt - tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012;…

GS TS NGND Bùi Khánh Thế ra đi, nhưng đã để lại trong lòng các thế hệ học trò, các đồng nghiệp hình ảnh một con người bình dị, khiêm nhường, dễ mến. Ông cũng là biểu tượng mẫu mực về một nhà Ngữ học suốt đời cần mẫn, chăm chỉ, đức độ và luôn cố gắng cống hiến hết mình. Những công trình của ông để lại mãi là di sản quý báu cho các thế hệ Việt ngữ học đi sau tham khảo, học tập, nghiên cứu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang