Nhiều điểm mới trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Thứ Năm, 30/05/2024 11:32  | Thanh Hòa

|

(CAO) Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 30/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Đánh giá khái quát về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp.

Qua đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Quốc hội thảo luận về công tác giám sát

Trong đó, đáng chú ý là việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định với nhiều đổi mới; các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết đối với 10 lĩnh vực.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Trên cơ sở báo cáo của các Đoàn giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 04 nghị quyết về giám sát chuyên đề.

Khác với hoạt động giám sát thông thường nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 03 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua, góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư trong các nhiệm kỳ Quốc hội triển khai hoạt động này.

Khác với 3 phiên xem xét việc thực hiện trước đây, tại Kỳ họp thứ 6 có sự đổi mới trong cách thức tổ chức chất vấn; theo đó, các vấn đề chất vấn được nhóm lại thành 4 nhóm lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt câu hỏi và trả lời chất vấn, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bao quát được các lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát.

Ông Bùi Văn Cường cũng cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên; qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, Nhân dân…

Công tác chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát được quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời, cả về nội dung, đối tượng, thời gian, địa điểm giám sát. Đặc biệt, năm 2024 là năm đầu thực hiện Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện việc điều hòa hoạt động giải trình cụ thể, chi tiết.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, các Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát; đáng chú ý, có Đoàn đại biểu Quốc hội đã quan tâm tổ chức giám sát lại việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; trong đó đã đánh giá những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang