(CAO) Sáng 15-10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cải tiến thủ tục trực tuyến để rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Ngoài việc nâng cao hiệu quả của thủ tục hành chính trực tuyến, nhiều doanh nghiệp cũng đã ý kiến về quy trình làm thủ tục một cửa. Một số doanh nghiệp tỏ ra bức xúc về thủ tục đóng thuế lòng vòng, thủ tục hải quan chưa thông thoáng... Ngoài ra, các vấn đề về an toàn giao thông, kẹt xe, an ninh trật tự trong các khu công nghiệp cũng được đưa ra bàn luận.
Quang cảnh hội nghị
"Tình hình an ninh trật tự trong KCN Đại Đăng hiện rất bất an. Liên tục xảy ra các vụ cướp giật gây hoang mang cho công nhân. Công nhân công ty tôi đã là nạn nhân của bọn cướp, sau khi bị cướp công nhân sợ quá nghỉ việc gây khó cho doanh nghiệp", một doanh nghiệp trong KCN Đại Đăng ý kiến.
Một số doanh nghiệp thắc mắc về thu quỹ phòng chống thiên tai. "Công nhân đa số là dân nhập cư, họ từ tỉnh lên Bình Dương làm. Quê nhà họ thường xuyên bị thiên tai nên họ kiến nghị đóng quỹ này về cho quê, không đóng cho doanh nghiệp nên chúng tôi rất khó thu để đóng cho nhà nước", chủ một doanh nghiệp trong KCN VISIP cho biết.
Doanh nghiệp ý kiến tại hội nghị
Các thắc mắc của doanh nghiệp được lãnh đạo sở, ban, ngành UBND tỉnh Bình Dương giải đáp, chia sẻ.
Ông Trần Thanh Liêm- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm: "Bình Dương luôn quan tâm và trân trọng sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chúng tôi tin tưởng rằng Bình Dương sẽ tiếp tục là địa phương thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian tới Bình Dương chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia".
Nhật Bản đang là quốc gia đứng đầu trong 64 quốc gia và vùng lãnh thổ về tổng số dự án đầu tư tại Bình Dương (304 dự án), với tổng số vốn đăng ký lên tới 5,65 tỷ USD, chiếm 16,2 % tổng vốn đầu tư trên toàn tỉnh.
Những doanh nghiệp đầu tư hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất lắp ráp ôtô và các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, thương mại dịch vụ.