Thời niên thiếu, sống trên quê hương Quảng Nam giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, được nghe người cha (một chí sĩ yêu nước và sau đó là đảng viên cộng sản) giảng giải về quan điểm “dân vi bản” và nhiều lần kể lại những sự kiện đáng nhớ, các nhân vật lịch sử của đất nước và quê hương, Võ Chí Công đã sớm có tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với dân tộc.
Đặc biệt, trong số các sĩ phu yêu nước ở Quảng Nam, Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng là hai nhân vật có nhiều ảnh hưởng đến Võ Chí Công. Năm 1925, trong đám tang Phan Chu Trinh, ông nghe kể lại lời trăn trối của Phan Chu Trinh trước lúc qua đời là “sự nghiệp độc lập dân tộc phải trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc”. Bắt đầu từ đó Võ Chí Công dõi theo để tìm hiểu thông tin về Nguyễn Ái Quốc và sau này ông đã đi theo, trung thành suốt một đời.
Cách mạng tháng 8.1945 Võ Chí Công là người lãnh đạo chủ chốt cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam. Lúc đầu dự định cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra trước ở các huyện, sau đó kéo về bao vây tỉnh lỵ ở Hội An. Qua theo dõi diễn biến tình hình trên thực tế, Võ Chí Công đã cùng tập thể ban lãnh đạo khởi nghĩa quyết định thay đổi theo hướng ngược lại, thực hiện khởi nghĩa trước ở tỉnh lỵ Hội An. Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra và thắng lợi nhanh chóng. Quảng Nam là một trong bốn tỉnh khởi nghĩa thắng lợi sớm nhất trong cả nước, trước thủ đô Hà Nội.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và các cháu thiếu nhi. Ảnh: TTXVN
Khi Mỹ trực tiếp đổ quân vào Miền Nam, lúc đầu đã có một số ý kiến khác nhau về việc có đánh hay không và đánh thì đánh như thế nào để có thể chiến thắng. Là người trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở khu 5, ông đã cùng ban lãnh đạo khu chỉ đạo thành công các trận đánh đầu tiên khi Mỹ vừa đổ quân vào Miền Nam (trong đó có trận Núi Thành bên ta đã dùng một đại đội địa phương của Quảng Nam để tấn công tiêu diệt gọn một đại đội chính quy hiện đại của quân Mỹ) để góp phần trả lời bằng thực tế chiến trường rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đánh thắng quân xâm lược Mỹ.
Năm 1975, lúc đầu ta dự định giải phóng Miền Nam-thống nhất đất nước trong hai năm 1975-1976. Tất nhiên là có dự kiến nếu tình hình chiến trường diễn biến thuận lợi thì có thể chuyển sang phương án giải quyết nhanh trong năm 1975. Theo dõi thực tế diễn biến ở chiến trường, đồng chí Võ Chí Công đã cùng với tập thể lãnh đạo khu 5 đề nghị với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cho giải phóng Đà Nẵng sớm hơn so với dự kiến bằng lực lượng địa phương là chủ yếu và có hỗ trợ của quân chủ lực Trung ương (dự kiến lúc ban đầu là trận Đà Nẵng chủ yếu sẽ do quân chủ lực Trung ương giải quyết).
Thực tế như nhiều người đã biết, trận Đà Nẵng quân ta đã chiến thắng nhanh gọn, ít bị chết người và thành phố không đổ nát, góp phần quyết định việc giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975. Việc đó đã xảy ra trong điều kiện quân chủ lực của chính quyền Sài Gòn có mặt tại Đà Nẵng còn rất đông, với quân số và trang bị kỹ thuật hơn quân ta tại chỗ rất nhiều lần và đó là trận giải phóng sớm hơn dự kiến. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn còn gọi trận giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975 là trận “ngoài kế hoạch”.
Chiến thắng đó có ý nghĩa thật to lớn khi mà có người không muốn ta thống nhất đất nước, họ bảo “đó là chuyện lâu dài, đời con cháu sẽ tiếp tục giải quyết”, họ khuyên ta phải “trường kỳ mai phục” vì “chổi ngắn không quét xa được” và tìm nhiều cách để ngăn cản ta cho đến phút chót, trong đó có việc họ đã khẩn trương tổ chức một cuộc chiến tranh ở biên giới phía Tây-Nam ngay trong thời gian quân ta đang tiến về phía Sài Gòn.
Hãy nhớ lại, chỉ mấy ngày ngay sau khi quân ta giải phóng Sài Gòn thì tiếng súng của một cuộc chiến tranh mới đã bắt đầu nổ ở đảo Thổ Chu. Nếu ta không nhanh chóng giải phóng Đà Nẵng sớm hơn dự kiến, để tạo điều kiện cho việc giải phóng xong Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 1975 mà chậm lại ít tháng nữa (chứ chưa nói sang năm 1976 như dự tính ban đầu) thì chưa biết điều gì đã xảy ra. Khi cuộc chiến tranh này chưa kết thúc mà họ lại kéo đến cho ta một cuộc chiến tranh nữa, cùng lúc phải đối phó với hai cuộc chiến tranh thì làm sao để có thể thống nhất đất nước?
Đồng chí Võ Chí Công ký lệnh công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992, ngày 13/4/1992, tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Minh Điền - TTXVN
Sau ngày 29-3-1975, một số tờ báo và một số ý kiến của người này, người khác nói về trận giải phóng Đà Nẵng không đúng như thực tế, một số đồng chí ở Khu 5 đề nghị phải nói lại để mọi người hiểu đúng sự thật, riêng đồng chí Võ Chí Công thì bảo “lịch sử thế nào thì nó như thế ấy, còn niềm vui chiến thắng thì ai vui, ai muốn chia sẻ cũng được”.
Sau khi ta thống nhất đất nước, có đoàn cán bộ quân sự của Liên-Xô sang Việt Nam nghiên cứu về nghệ thuật quân sự của Việt Nam qua cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Theo giới thiệu của Tổng bí thư Lê Duẩn, đoàn cán bộ ấy đã gặp và phỏng vấn Võ Chí Công về trận giải phóng Đà Nẵng. Câu hỏi cốt lõi mà bạn nêu ra là bí quyết thắng lợi của trận Đà Nẵng là gì xét về mặt nghệ thuật quân sự? Võ Chí Công đã giải thích cho bạn rằng, khi đấu võ ở đẳng cấp cao thì một bên dựng thế còn bên kia vào tấn công.
Trong phần lớn trường hợp chỉ có thể đánh ngã đối phương trong thời điểm đối phương đang chuyển thế. Lúc ấy, thế cũ đã bị phá thế, còn thế mới thì chưa lập thế xong. Đánh đúng vào thời điểm đó thì coi như đối phương không có thế phòng thủ nào. Bí quyết của trận thắng Đà Nẵng là thời điểm tấn công, ngày ấy còn gọi là giờ G. Nếu đánh sớm hơn là chạm trán với phương án phòng thủ 1, còn đánh muộn hơn thì đụng đầu với phương án phòng thủ 2 kiên cố hơn phương án trước. Đánh vào thời điểm đó thì đối phương coi như không có phương án phòng thủ, vì phương án phòng thủ 1 đã phá thế, nhưng phương án phòng thủ 2 chưa lập thế xong.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Quảng Nam được cấp trên khen tặng là tỉnh “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Sau khi kết thúc chiến tranh không lâu, năm 1980, trong lần về thăm và nói chuyện với cán bộ Quảng Nam – Đà Nẵng, ông chỉ giữ lại cụm từ “Quảng Nam trung dũng kiên cường” và cắt đi cụm từ “đi đầu diệt Mỹ”. Có đồng chí thắc mắc là tại sao lại cắt bỏ cụm từ “đi đầu diệt Mỹ” của Quảng Nam, Võ Chí Công giải thích là “thời chiến tranh thì nói vậy, nay hòa bình thì cũng phải tính chuyện đối tác làm ăn với nhau”.
Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công được phân công về Hà Nội công tác ở Trung ương. Qua theo dõi tình hình nông nghiệp của cả nước, ông đã ủng hộ việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp cho nhóm và người lao động mà thực chất là khoán hộ, từ khi việc ấy chưa có chủ trương chính thức cho phép thực hiện.
Ngày đó, nhiều người đã gọi đó là khoán chui và có nhà báo đã viết là Võ Chí Công cũng làm chui. Đặc biệt có ý kiến nói rằng, Võ Chí Công ủng hộ khoán kiểu đó là phá chủ nghĩa xã hội. Khi nghe ý kiến quy chụp đó, ông nói với các đồng chí cùng làm việc với ông rằng “làm cho nông dân có cơm ăn áo mặc mà bảo là phá CNXH thì giống như họ dọa mình là trời sẽ sập. Không có đâu, đừng sợ!”. Sau đó không lâu thì việc khoán sản phẩm cho nhóm và người lao động trong nông nghiệp đã chính thức được Bộ Chính trị và Ban Bí thư có chủ trương cho thực hiện trên cả nước, mở đầu cho công cuộc đổi mới của đất nước trên thực tế.
Lần cuối cùng ông về thăm quê hương Quảng Nam là lúc ở tuổi gần 95. Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh báo cáo cho ông nghe khá kỹ về tình hình và nhiệm vụ, có thể tóm tắt là, những năm qua Quảng Nam đã nỗ lực làm được rất nhiều việc quan trọng, những năm đến nhất định sẽ phấn đấu để làm nhiều việc hơn nữa. Nghe xong, đồng chí Võ Chí Công nói với đại ý tóm lượt là, nghe lãnh đạo tỉnh thông báo tình hình làm được nhiều việc như vậy là đáng mừng, nhưng đó mới là ta nói với nhau, còn phải lắng nghe nhân dân đánh giá khen chê thế nào; những năm đến các đồng chí nói sẽ làm nhiều việc hơn nữa, với quyết tâm như vậy là đáng hoan nghênh, nhưng nhất thiết phải tính xem thử trong các công việc dự định làm ấy thì có lợi gì cho nhân dân. Nhân dân mới là quan trọng nhất, trong tất cả công việc của chúng ta. Chúc các đồng chí QN thành công!
Đó là những lời sau cùng ông nói trực tiếp với cán bộ Quảng Nam. Những năm sau đó sức khỏe ông yếu không về thăm quê được nữa. Hễ có ai từ quê tới thăm thì ông đều hỏi “sản xuất có được mùa không, đời sống nhân dân thế nào, đồng bào miền núi đã bớt khó khăn chưa?”.