Người dân nơi đây sống ven sông, vùng đất cù lao, đất chật người đông, đất đai khan hiếm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại khu vực các xã Gò Nổi tình trạng sạt lở xảy ra khủng khiếp, nhất là khu vực xã Điện Trung khiến người dân hết sức bức xúc.
Theo người dân, sở dĩ xảy ra tình trạng trên, một phần do thiên tai lũ lụt, nhưng phần không nhỏ là do tình trạng khai thác cát trên lòng sông Thu Bồn quá dày đặc khiến lòng sông bị bức tử, làm sạt lở vốn đã nghiêm trọng lại càng… kinh hoàng hơn.
Điện Trung - cái “nôi” sạt lở
Đi dọc bờ sông ở khu vực Gò Nổi, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy cảnh sạt lở kinh hoàng. Nhất là tại khu vực xã Điện Trung, Điện Phong,… Một người dân dẫn chúng tôi ra phía sông ở thôn Hòa Giang, xã Điện Trung nói rằng, giờ sông dường như không có bờ mà là “hầm sông” vì bờ đất đứng trên cao chót vót, còn mép nước thì lọt thỏm dưới sâu.
Người dân chỉ khu vực sạt lở và các tàu khai thác cát vô tội vạ
Anh đứng chỉ ra phía bụi tre nằm cách mép nước gần 50m mà thở dài, bởi cách đây hai năm đó là bờ, mà nay dường như gần giữa lòng sông. Có đoạn bờ sông trước đây cách bờ hiện tại gần 100 m.
“Thấy đất bị sông “nuốt”, mất đất, người dân ai cũng xót. Ai cũng hiểu nguyên nhân do một phần từ thiên tai, nhưng phần không nhỏ do khai thác cát quá dữ dội”, anh cho biết.
Quả thật, tầm trưa, khoảng 10 tàu cỡ lớn chở cát chạy dọc sông từ phía xã Điện Thọ xuống theo hạ lưu sông Thu Bồn chạy qua Điện Trung và Điện Phong. Hai bên bờ, mỏ cát vây quanh.
“Tình trạng khai thác cát ở khu vực này quá nhiều, kể cả có phép và không phép. Mấy năm trở lại đây, ban ngày thì tàu hút, khai thác có phép, còn ban đêm thì tàu khai thác không phép hoạt động về khuya”, người dân cho biết.
Bởi thế, tình trạng sạt lở ở khu vực Gò Nổi ngày càng nghiêm trọng, đất mất dần. Đất canh tác, trồng hoa màu của người dân ngày càng hẹp lại, ngày càng lấn vào khu dân cư, khiến ai cũng lo lắng.
Nhiều nơi sạt lở kéo dài
Anh Nguyễn Tam Đính, người dân thôn Hòa Giang (xã Điện Trung) bức xúc: “Trước đây tôi thuê đất của xã 4 ha đất để trồng hoa màu, nhưng do sạt lở năm nay chỉ còn thuê được 1 ha. Đất sạt lở, chúng tôi cũng điêu đứng theo”.
Nói về tình trạng sạt lở, ông Trần Tình, Chủ tịch xã Điện Trung cho biết, năm 2016 trên địa bàn xã bị sạt lở bờ sông kéo dài 300m, sạt lở mất 2 ha đất, còn những năm qua, xã mất 20ha đất bị trôi xuống dòng sông do sạt lở.
“Nguyên nhân sạt lở cực kỳ nghiêm trọng là do trước đây Nhà nước có quyết định xây kè mang tên Điện Trung nhưng sau lại làm cho xã Điện Quang trước, còn Điện Trung chỉ mới làm được khoảng 300m, còn 400m chưa làm. Hơn nữa, do làm đập tràn theo kiểu “dốc võng”, hình chữ U nên nước xoáy vào đây gây sạt lở bờ sông. Ngoài ra, có một phần do tình trạng khai thác cát trên khu vực sông nhiều, gây sạt lở”, ông Tình giả thích.
Cấp mỏ quá dày đặc?
Ông Huỳnh Thanh Thanh, trưởng Công an xã Điện Trung cho biết, sáng 19-3-2017, nhận tin báo người dân Công an xã Điện Trung phối hợp với thôn Hòa Giang phát hiện 2 chiếc tàu của Công ty Gia Lộc (có mỏ cát ở xã Điện Phước phía đối diện) hút cát lấn qua phía sông của xã Điện Trung. Cơ quan chức năng phải đẩy đuổi tàu khai thác lấn qua vùng vi phạm.
Cũng theo ông Thanh, năm 2016 và đầu năm 2017 Công an xã phối hợp với xã Điện Phong phát hiện xử lý hơn mười trường hợp vi phạm khai thác trái phép.
Hiện tượng đất sạt lở được đánh giá một phần là do khai thác cát vô tội vạ
“Cái khó của chúng tôi là biết họ khai thác trái phép đó, nhưng do đêm tối, mình không có ghe, phải đi mượn ghe để đi kiểm tra, khi ra tới nơi thì tàu họ chạy đi mất tiêu. Còn nếu kiểm tra thì họ lách luật, hợp thức hóa bằng một giấy mua bán cát hợp pháp nào đó, thì chúng tôi cũng chịu, không thể xử phạt được”, ông Thanh chia sẻ.
Còn ông Trần Tình thì nhìn nhận: “Chúng tôi cũng có cử bên công an giám sát mỏ có phép trên địa bàn, xã cũng được chi lại một phần thuế phí môi trường, nhưng việc kiểm soát dưới lòng sông cực kỳ khó, vừa ngoài khả năng nghiệp vụ, hơn nữa không thể theo sát mãi được. Theo tôi nên kiểm tra giám sát ở trên bờ, ngay tại bãi thì hợp lý hơn, hiệu quả hơn”.
Trung tá Nguyễn Phước Pháp, Đội trưởng Đội Kinh tế - Ma túy - Môi trường Công an thị xã Điện Bàn cho rằng, ở khu vực sông Thu Bồn qua thị xã Điện Bàn chỉ 10km mà có đến 11 mỏ được cấp phép thì quá dày. Chưa kể những tàu khai thác trái phép nữa thì “không sạt lở mới chuyện lạ”.
“Đội có 15 người, nhưng thực hiện 3 lĩnh vực, ngoài chỉ huy, tổng hợp, thì cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường quá ít, phương tiện thì thiếu, mỏ cấp nhiều quản lí không xuể. Muốn giám sát chặt chẽ thì ngay tại chính quyền địa phương sở tại thì quản lý hiệu quả hơn”, trung tá Pháp nói.
Ông Bùi Văn Ba, trưởng phòng Khoáng Sản, sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam, cho biết, việc sở Tham mưu cho tỉnh cấp phép các mỏ, trong đó có mỏ hút cát ở khu vực thị xã Điện Bàn thì cũng theo trình tự và theo quy hoạch. Sau khi doanh nghiệp muốn lập mỏ thì xã phường đề xuất lên huyện, huyện kiểm tra các thủ tục cần thiết rồi đề xuất lên tỉnh, tỉnh chỉ đạo sở tham mưu, lập đoàn kiểm tra cùng các cơ quan chức năng, nếu đủ điều kiện mới được cấp phép.
Các tàu chở cát hoạt động gần như hết công suất
“Tuy theo quy hoạch, nhưng thực tế diễn biến trên sông khó lường thiên tai hoặc tác động khách quan, chủ quan gây sạt lở thì chính quyền địa phương cấp xã phường phải báo cáo, huyện kiểm tra, khi nào vượt quá thẩm quyền thì sở tham mưu cho tỉnh xử lý. Còn khi sở đi kiểm tra mà cấp nào chưa thực hiện đúng theo quy định thì cấp đó chịu trách nhiệm”, ông Ba phân tích.
Khi chúng tôi phản ánh việc người dân về việc nhiều mỏ cát ở khu vực sông Thu Bồn qua thị xã Điện Bàn, khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn, nhất là ở khu vực xã Điện Trung và Gò Nổi, Ông Bùi Văn Ba ghi nhận ý kiến của phóng viên và phản ánh của người dân.
“Chúng tôi sẽ trao đổi lại với phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Điện Bàn để có kế hoạch kiểm tra cụ thể thực tế tại khu vực trên và sẽ báo cáo với cơ quan chức năng và báo chí, người dân được biết”, ông Ba nhấn mạnh.
Về việc ngành công an quản lý khoáng sản, trung tá Hồ Song Ân, trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam thừa nhận vẫn gặp một số bất cập. Ví như phòng Cảnh sát Môi trường và Cảnh sát Kinh tế, hiện nay, vẫn chưa có quy định rõ phòng nào quản lý cụ thể lĩnh vực, địa bàn nào. Hiện lực lượng nào nhận được thông tin, báo cáo cấp trên cho ý kiến chỉ đạo thì tổ chức lực lượng truy quét. Nhiều địa phương cũng đã có kiến nghị, nhiều cuộc họp bàn nhưng vẫn chưa phân định được chức năng nhiệm vụ của hai phòng này trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường. |