Rốn lũ Cẩm Phả: Mưa như trút nước, sạt lở, vỡ đập

Thứ Năm, 30/07/2015 17:21  | Phương Sơn

|

(CAO) Từ đầu giờ chiều ngày 30-7, trên địa bàn Cẩm Phả (Quảng Ninh) lại xuất hiện mưa lớn. Trước đó trong cả đêm 29 và cả sáng 30, trên địa bàn Quảng Ninh vẫn còn mưa. 

Theo một số chuyên gia, trận mưa này cực kỳ nguy hiểm vì những điểm tích nước đã đầy, đất đã hút no nước và nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

 

Vỡ đập 790, di dời hàng trăm người dân

Sáng 30-7, phóng viên Báo Công an TP.HCM đã có mặt tại đập 790 (P.Mông Dương, Cẩm Phả) và ghi nhận một phần chân đập đã sạt lở, nước tràn qua đập cuốn theo đất, cát, đá.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty than Cao Sơn đã huy động nhiều máy móc phương tiện để gia cố con đập. Tuy nhiên, do trời vẫn đổ mưa lớn, công ty bắt buộc phải khơi một dòng chảy để giảm áp lực cho con đập. Một cán bộ chỉ huy tại hiện trường cho biết: "Chúng tôi khơi một góc và chỉ để nước tràn qua. Nếu không làm vậy, con đập không chắc đã chịu nổi. Nếu đập vỡ thì hậu quả khôn lường".

Công an giúp dân di dời tài sản

Theo quan sát của chúng tôi, ngay dưới chân con đập là một khu dân cư khá đông đúc. Hiện nước đã tràn qua mái cửa những ngôi nhà cấp 4 và ngập hết tầng một của những nhà lầu. Hầu như toàn bộ tài sản hoa màu của người dân đã bị đất, cát, đá vùi lấp.

Trung tá Ngô Ngọc Linh - Trưởng CA P.Mông Dương cho biết, sáng 26-7 khi trời chuyển mưa rất to, các cấp chính quyền và công an phường đã có mặt tại tổ 1, 2 khu 4 để vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn. Một số hộ dân chấp hành rất nghiêm chỉnh nhưng còn một số hộ mặc dù được giải thích về nguy cơ vỡ đập vẫn nấn ná không chịu di dời. Họ cho rằng, chính quyền làm to chuyện và sợ nếu chuyển đi nơi khác, tài sản không ai bảo vệ. Thậm chí đến đêm 26-7, khi nước đã ngập một số nhà, những hộ dân này vẫn "bám trụ".

Nhiều nhà dân bị cô lập trong nước lũ

Trước tình huống này, chính quyền và công an phường đã phải dùng biện pháp cứng rắn. Cho đến ngày 27-7, toàn bộ 94 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm đã được đưa xuống trạm y tế, nhà văn hoá phường. Nhờ những nỗ lực này, dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lịch sử nhưng thiệt hại về người và vật chất đã được giảm thiểu tối đa.

Theo trung tá Linh, kể từ ngày 26-7, 100% quân số được huy đông túc trực, CA TP.Cẩm Phả cũng tăng cường lực lượng để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất. Những điểm nóng như đập 790, trạm điện Mông Dương 110KV lúc nào cũng có một tổ công tác ứng trực 24/24. Được biết, nếu trạm điện này xảy ra sự cố, toàn bộ TP.Cẩm Phả sẽ mất điện. Vì vậy, bảo vệ an toàn cho trạm điện là nhiệm vụ sống còn. Cho đến nay, chưa thể tính được những thiệt hại sau sự cố đập 790.

Bùn đọng thành một lớp dày trên nhiều tuyến đường

Ngoài tài sản hoa màu của 94 hộ dân hầu như bị xoá sổ, hàng chục vạn tấn than của công ty than Cao Sơn bị đất đá vùi lấp. Rất nhiều xe, máy móc, phương tiện bị ngập sâu trong nước. Sở dĩ số máy móc này không kịp chuyển đến nơi an toàn là do cơn mưa quá lớn, bất ngờ khiến mọi người không kịp trở tay. Một người dân ở Mông Dương kể, buổi trưa, mưa còn lất phất, đến đầu giờ chiều mưa như trút nước và chỉ sau 2 giờ khu vực này gần như bị cô lập hoàn toàn vì vậy các phương tiện máy móc không thể di chuyển ra ngoài.

Nhiều phương tiện được huy động để bảo vệ đập 790

Trong ngày 30-7, lực lượng hải quân, chính quyền địa phương, nhân viên điện lực đã gia cố bằng những bao cát để đề phòng trường hợp đập 790 không thể chịu nổi, nước tràn xuống quá nhanh làm tê liệt trạm điện. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đã đắp 3 lần tường bằng bao cát trước đường vào trạm điện. Hai xe lội nước cũng ứng trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi lũ xảy ra.

Tình quân dân trong lũ lụt

Không chỉ phường Mông Dương thiệt hại nặng, toàn bộ địa bàn Cẩm Phả cũng phải hứng chịu những thiệt hại chưa thể thống kê. Theo trung tá Phạm Văn Vượng - Đội trưởng đội tham mưu Công an TP.Cẩm Phả, thành phố có 13 phường, 3 xã đều xảy ra tình trạng mưa to, ngập lụt kéo dài vào một số nhà dân, dẫn đến sạt lở, ngập đổ tường nhà.

Tại P.Quang Hanh từ km6 đến km15 bị ngập lụt nhiều địa điểm gây ách tắc giao thông, có đoạn khu vực cụm kho 84, xí nghiệp may và km15 nước ngập sâu nhiều hộ gia đình bị cô cập, gây thiệt hại lớn về tài sản. Ngập úng cục bộ đoạn đường nội thị phường từ Cẩm Thạch đến Cẩm Đông đường nội thị qua phường Cửa Ông.

Thống kê chưa đầy đủ có 4.148 hộ dân các phường, xã trên địa bàn bị ngập úng làm hư hỏng tài sản do mưa to. Trong đó, có trên 430 hộ dân, các lực lượng chức năng phải tuyên truyền vận động và phối hợp di dời đến nơi khô ráo, an toàn. Đáng nói, trong 105 nhà của các hộ dân tại phường Mông Dương bị đất, đá vùi lấp, có 40 nhà bị vùi lấp hoàn toàn, 65 nhà bị vùi lấp còn lại tầng 2 hoặc còn lại một phần; đổ và trôi 13 nhà cấp 4.

Riêng chợ cầu Ngầm - Mông Dương có 165 gian hàng bị ngập nước; 9 ngôi mộ ở trên đồi thuộc khu 9B, khu 4B2, khu 2, Cửa Ông bị nước cuốn trôi và đất, đá vùi lấp. Nhiều cầu cống, khe suối bị đất đá trên núi tràn xuống gây ách tắc và sạt lở các kè.

Chiều 30-7, trên địa bàn vẫn đang xảy ra mưa lớn

Ghi nhận, trường mần non Mông Dương nước ngập sâu 1,5 mét, tràn vào tận các phòng học. Toàn bộ đồ dùng và trang thiết bị dạy và học tại tầng 1 bị ngập nước và hư hỏng hoàn toàn.

Trung tá Phạm Văn Vượng cho biết: trong ngày 30-7, hội phụ nữ, thanh niên, Công an TP.Cẩm Phả đã trích quỹ mua ủng hộ được 42 gia đình bị thiệt hại nặng. Trong những ngày tới, hội sẽ tiếp tục trích quỹ để mua hàng trăm xuất quà tiếp tục hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại trong trạn mưa lũ này. Ngày 31-7, Công an TP.Cẩm Phả sẽ tổ chức quyên góp toàn lực lượng để giúp đỡ bà con.

"Từ hôm 26-7 đến giờ tối 29-7 mới về nhà được 30 phút. Vợ con dỗi chả nói năng gì...", trung tá Ngô Ngọc Linh trong ít phút về nhiệm sở đã nói vui với chúng tôi.

15:00 ngày 30/07/2015

Những du khách đầu tiên ở đảo Cô Tô đã bắt đầu lên tàu hải quân, chuẩn bị được đưa về đảo Cửa Đối, sau đó sẽ đi tiếp về Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tàu hải quân 634 trọng tải 450 tấn chịu được sóng cấp 5-6, đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn 6 ngư dân Thanh Hóa mất tích trưa 27-7 thì được điều động ứng cứu du khách đang mắc kẹt ở Cô Tô. Mỗi chuyến, 634 có thể chuyển được 150 đến 170 du khách vào bờ và dự kiến thời gian di chuyển mất khoảng 5 giờ.

Ông Hoàng Thiện Phiên - Cán bộ phòng văn hoá huyện đảo Cô Tô cho biết, số lượng du khách thực tế có thể lên đến hơn 2.000 vì ngoài những nhà nghỉ, khách sạn có đăng ký kinh doanh, Cô Tô còn có mô hình du khách ở nhà dân. Vì vậy số lượng thống kê không thể chính xác. Chiều 30-7, nghe tin tàu Hải quân đón du khách vào đất liền, hàng ngàn người đã ra cầu cảng chờ đến lượt mình lên tàu. Tuy nhiên, do số lượng mỗi chuyến chỉ chở được chưa đầy 200 nên phần lớn du khách phải chở lại khách sạn.

Bộ đội làm bờ bao ngăn lũ

Ngay từ ngày 27-7, khi đảo Cô Tô bị cô lập, chính quyền đảo đã vận động các chủ nhà nghỉ, khách sạn giảm giá dịch vụ cho du khách.

Sáng 30-7, một đột vận động quy mô lớn tiếp tục được phát động. Hầu hết khách sạn nhà nghỉ đều giảm từ 70-80%. Giá cả thực phẩm trên đảo không tăng nhiều, nhưng vô cùng khan hiếm. Nhất là thực phẩm và rau tươi. Gia đình ông Phiên cũng có một khách sạn và sẽ miễn phí hoàn toàn cho khách du lịch từ 30-7.

16:00 ngày 30/07/2015

Cô Tô lại mưa nặng hạt, gió cấp 4,5. 250 khách du lịch đã được đưa lên tàu của Hải quân. 

Chiều 30-7, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có cuộc họp bàn phương án khắc phục hậu quả trận mưa lũ, lịch sử. Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐQT TKV cho biết, các đơn vị sản xuất tại Hạ Long, Cẩm Phả đã ngừng hoạt động, thiệt hại ước tính 1.000 tỷ đồng.

3/4 trong số công nhân ngành than phải nghỉ việc, TKV sẽ trích quỹ dự phòng để trả lương cho công nhân trong những ngày sản xuất bị đình trệ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang