Sáng nay khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV

Thứ Hai, 05/05/2025 05:28  | Thanh Hòa

|

(CAO) Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, quyết định những vấn đề trọng đại, mang tính lịch sử cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và các luật phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính...

Sáng nay, ngày 5/5/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Trước giờ khai mạc Kỳ họp, vào 07 giờ 15 phút, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lúc 08 giờ, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Vào 9 giờ sáng cùng ngày, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1).

Quốc hội sẽ họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. (ảnh minh họa)

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến bế mạc vào ngày 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 5/5 đến ngày 29/5/2025; Đợt 2: từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/6/2025. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày. Thời gian nghỉ giữa 2 đợt là 12 ngày để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sớm hơn thông lệ với nhiều nội dung quan trọng để xem xét, quyết định các vấn đề thực sự cấp thiết vừa được Trung ương thống nhất chủ trương tại Hội nghị lần thứ 11 phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; điều chỉnh những luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến về 06 dự án luật khác.

Đặc biệt, một nội dung rất quan trọng tại Kỳ họp này là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Dự kiến, sẽ dành khoảng 1 tháng (từ ngày 6/5 đến hết ngày 5/6) để lấy ý kiến Nhân dân về các nội dung sửa đổi.

Nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung vào sửa đổi, bổ sung 08/120 điều, với 02 nhóm nội dung: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; Các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 luật trực tiếp điều chỉnh các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và 01 Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Cụ thể, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Cùng với đó là xem xét, thông qua 34 luật và 11 nghị quyết. Các luật được Quốc hội xem xét, thông qua, bao gồm: (1) Bộ luật Hình sự (sửa đổi); (2) Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (trường hợp đủ điều kiện thì xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9); (3) Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); (4) Luật Công nghiệp công nghệ số; (5) Luật Hóa chất (sửa đổi); (6) Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (7) Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); (8) Luật Nhà giáo; (9) Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); (10) Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

(11) Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); (12) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); (13) Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (trường hợp chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thì xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9); (14) Luật Thanh tra (sửa đổi); (15) Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); (16) Luật Việc làm (sửa đổi); (17) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (18) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; (19) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

(20) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; (21) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; (22) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (23) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; (24) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (25) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; (26) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; (27) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; (28) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

(29) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (30) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; (31) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; (32) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; (33) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; (34) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu tại một phiên họp Quốc hội

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, bao gồm: (1) Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; (2) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt; (3) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; (4) Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân;

(5) Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; (6) Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; (7) Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14;

(8) Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; (9) Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; (10) Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; (11) Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp, bao gồm (1) Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (2) Luật Dẫn độ; (3) Luật Đường sắt (sửa đổi); (4) Luật Tình trạng khẩn cấp; (5) Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; (6) Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Cụ thể, xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 (trong đó có nội dung về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng).

Xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 (trong đó có báo cáo về các nội dung: Việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo và việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí; tình hình triển khai các khoản dự toán chưa phân bổ của ngân sách trung ương đầu năm đã được quy định tại Mục VI, Mục VII, Mục VIII, Mục IX Phụ lục II kèm theo Nghị quyết số 160/2024/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sau sáp nhập tỉnh; tình hình phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết theo quy định tại khoản 5a Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 và Luật số 56/2024/QH15).

Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 (trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 4 của Nghị quyết số 132/2024/QH15 bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; kết quả huy động, sử dụng và thanh toán, quyết toán tổng thể nguồn lực chi cho phòng, chống dịch COVID-19 của giai đoạn 2020-2022; kết quả xử lý đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác; tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; lũy kế kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước).

Xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Xem xét Báo cáo về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2026 (nếu có).

Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Xem xét, quyết định về bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC). Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TPHCM.

Cùng với đó là xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).

Bình luận (0)

Lên đầu trang