Lời Bác vang vọng núi sông

Chủ Nhật, 04/05/2025 23:14

|

(CATP) Những ngày này tại TPHCM chúng ta đang tổ chức sự kiện lịch sử trọng đại mừng 50 năm thống nhất đất nước, xin hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng biết ơn sâu sắc nhất, lòng kính trọng vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người đã đặt nền móng tư tưởng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đã dìu dắt dân tộc ta đến ngày hôm nay.

Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng

Ngày 27/8/1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911 - 2006) đã nêu ra ý tưởng đổi tên Thành phố Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, được nhiều nhân sĩ miền Nam lúc ấy tán thành và kiến nghị gửi lên Chính phủ. Báo Cứu Quốc năm ấy cũng đã có bài viết với nhan đề Thành phố Sài Gòn từ nay sẽ đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Điều ước vọng đó trở thành hiện thực với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thành phố Sài Gòn trở thành Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

Trước đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến đồng bào miền Nam, miền Nam ruột thịt như là một phần thân thể của đất nước, không thể chia cắt. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống Pháp, đặc biệt thời kỳ đầu của Nam bộ kháng chiến, Bác luôn chia sẻ những đau thương mất mát với đồng bào miền Nam anh dũng kiên cường "Thành đồng Tổ quốc". Bác luôn trăn trở: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4,).

Bác Hồ viết bản Di chúc - Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Ngày 01/6/1946, trước khi lên đường sang Pháp tìm giải pháp cứu vãn hòa bình ở Việt Nam, Bác đã gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định: "Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội t.4, tr.246). Tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chi Minh tuyên bố tuyên bố: "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi" ("Giữ yên giấc ngủ của Người", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.18.).

Sự khẳng định của Bác là bất di bất dịch, dù sau đó là cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cực kỳ gian khổ, với nhiều hy sinh mất mát to lớn, nhưng "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thao thức, đáu đáu vì miền Nam ruột thịt. Năm 1962, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, khi đó đón tiếp đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thăm miền Bắc, Bác đã đặt bàn tay lên ngực trái rồi cảm động nói: "Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi". Câu nói ân tình đó không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc mà còn là lời khẳng định về sự đoàn kết toàn dân, gắn bó không rời giữa hai miền - một thông điệp mạnh mẽ giúp củng cố tinh thần chiến đấu của cả dân tộc.

Trong bài viết hôm 27/4 "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc - đã khẳng định chân lý bất diệt: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

Lời của Bác không chỉ là tuyên ngôn thiêng liêng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cảm hứng, truyền sức mạnh cho mọi thế hệ người Việt Nam trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ và khốc liệt. Chiến thắng 30/4/1975 là minh chứng sống động cho triết lý của thời đại "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Đau đáu vì miền Nam ruột thịt

Cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước cực kỳ gian khổ, với những hy sinh to lớn, với một đối tượng mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần nhưng Hồ Chí Minh luôn luôn tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng, đất nước sẽ về một mối, giang sơn liền một giải. Nhân Ngày Quốc khánh 02/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố rất mạnh mẽ và tin tưởng: "Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được". Trong thư gửi đồng bào cả nước năm 1956, Bác viết: "Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta".

Bác Hồ và Đoàn chủ tịch chào đón các đoàn đi qua lễ đài trong Lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1955) trên quảng trường Ba Đình (Hà Nội)

Quyết tâm chiến thắng, thống nhất đất nước của Hồ Chủ tịch truyền niềm tin đến mỗi cán bộ chiến sĩ, nhân dân ta trong thời khắc cuộc chiến cam go nhất: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại sự khao khát cháy bỏng, quyết tâm giải phóng miền Nam của Bác Hồ: "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm nguyện cháy bỏng, là nỗi trăn trở khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng nói: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"; "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi".

Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử trong đó khẳng định một ý chí mãnh liệt, một quyết tâm sắt đá và một niềm tin tất thắng: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Trong Bản Di chúc, Người đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người viết: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta". Ước mơ đó Bác không thể thực hiện nhưng chúng ta, toàn dân, toàn quân đã làm Bác thỏa lòng mong ước với chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Hôm nay, tại TPHCM chúng ta đang tổ chức sự kiện lịch sử trọng đại mừng 50 năm thống nhất đất nước, xin hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng biết ơn sâu sắc nhất, lòng kính trọng vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế, người đã đặt nền móng tư tưởng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã dìu dắt dân tộc ta đến ngày hôm nay.

"Cách đây 50 năm, dân tộc Việt Nam đã viết nên một bản anh hùng ca chói lọi bằng ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường - đó là bản hòa ca của ý chí, quyết tâm, thống nhất và hòa bình. Nửa thế kỷ sau, chính dân tộc ấy đang tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới - bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI" - Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết như vậy trong bài viết nêu trên. Đó cũng là quyết tâm của thế hệ hôm nay, những thế hệ sẽ lao động, chiến đấu hết mình để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang