Sớm soạn thảo chỉ thị mới của Thủ tướng để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép

Thứ Hai, 03/08/2020 22:25

|

(CAO) Chiều 3/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, nhiều nội dung về tình hình dịch COVID-19 và công tác phòng, chống dịch tại TP.Đà Nẵng đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thông tin, giải đáp.

Sớm soạn thảo chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ

 Về ý kiến của Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị áp dụng kinh nghiệm của Vũ Hán (Trung Quốc) trong phòng, chống COVID-19 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hợp lý nhằm đảm bảo được mục tiêu kép là phòng, chống dịch bệnh, đồng thời thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời điểm này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện nay, một số địa phương đã có bước phản ứng nhanh như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Hai địa phương này đã tạm thời dừng các hoạt động tụ tập đông người, duy trì không quá 30 người trong một sự kiện, tạm dừng những hoạt động chưa phải thiết yếu. Đây là những giải pháp tích cực của các địa phương có kinh nghiệm chống dịch COVID-19 thành công.

Đối với việc ban hành chỉ thị mới của Thủ tướng, trên cơ sở các kết luận của Thủ tướng tại các phiên họp, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng và Bộ Y tế sẽ sớm soạn thảo chỉ thị mới của Thủ tướng, trên cơ sở các hoạt động kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân tiếp tục diễn ra trong trạng thái bình thường mới, để từ đó có 1 chỉ thị hợp lý, đảm bảo được hai mục tiêu nhưng vẫn đưa ra giải pháp mạnh nhất, tốt nhất nhằm kịp thời, chủ động ứng phó, dập tắt các ổ dịch.

Riêng đối với Đà Nẵng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, một số điều kiện khác hỗ trợ đặc biệt cho Đà Nẵng đã được Thủ tướng quyết định. Đó là việc bổ sung lực lượng y tế, tăng cường máy xét nghiệm cho Đà Nẵng nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm và truy vết.

Ưu tiên tối đa cho Đà Nẵng

Cho biết thêm về tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác có nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn; đi kèm là đội điều trị có rất nhiều kinh nghiệm như đội dập dịch tại Hạ Lôi (Vĩnh Phúc) trước đó… Tất cả nhân lực có kinh nghiệm nhất ở đợt 1 đều được ngành y tế đưa ra đợt này.

“Chúng tôi đã tiến hành cách ly, tiêu độc khử trùng, dập dịch ở ba cụm bệnh viện: Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng và một số điểm ghi nhận ca mắc cộng đồng tại các địa phương. Đồng thời, tiến hành phong tỏa tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, các địa phương phát hiện trường hợp lây nhiễm,” Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.

Lực lượng y tế đã triển khai truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp nghi mắc, tiến hành cách ly tập trung để lấy mẫu, giám sát tình hình sức khỏe đối với các trường hợp nghi ngờ; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nhắn tin cho tất cả các trường hợp có tiếp xúc, đã từng đến Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, ngành đã huy động hơn 1.000 sinh viên trường y, các trường quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch ở Đà Nẵng.

Đánh giá về khả năng gỡ phong tỏa tại các điểm bùng phát dịch COVID-19, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhận định, phải căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến dịch. Hiện nay, dịch đang ở trong tầm kiểm soát rất tốt, công tác truy vết rất quyết liệt, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Nhắc lại ý kiến của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, địa phương này đã có phương án cách ly xã hội tại nhà khi các khu cách ly tập trung có nguy cơ quá tải; Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định Chủ tịch Đà Nẵng có đề nghị phương án cách ly tại nhà với lý do hiện nay khu cách ly tập trung tương đối đông, một số khu có hiện tượng quá tải.

“Phương án này chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu, kể cả cách ly tại khu dân cư, trường học, nhà máy, rồi những khu tập trung khác. Tất cả những phương án đã được Bộ Y tế đưa ra cụ thể và sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19,” Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Cố gắng kết thúc vụ Nhật Cường vào quý 3/2020

Thông tin tại phiên họp báo, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết vụ án xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi chỉ đạo.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã khởi tố vụ án với 3 tội danh với 28 bị can, bắt giam 20 bị can, hiện còn 8 bị can chưa bắt được. Theo kế hoạch sẽ kết thúc, khởi tố vụ án trong quý 3/2020.

Cũng theo Tướng Tô Ân Xô, ngày 21/7, Cơ quan An ninh điều tra (A09), Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 3 đối tượng có hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” với bị can Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, Phó trưởng Phòng Thư ký biên tập, Tổ giúp việc của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, lái xe của Chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) và Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của C03).

Sau đó, ngày 22/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 3 bị can nêu trên.

“Vụ án vẫn được cơ quan chức năng điều tra, khi nào có kết quả chính thức sẽ thông tin rộng rãi tới báo chí,” Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay.

 Về tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết lực lượng Công an  đã chủ động giải pháp phòng, chống dịch trong toàn lực lượng.

Theo thống kê, tại 27/63 địa phương có 504 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Thiếu tướng Xô cho hay ngay sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu trở lại, Bộ Công an đã ban hành nhiều công văn, công điện, chỉ thị tới công an địa phương thực hiện các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh và phối hợp xử lý nhập cảnh trái phép tại các địa phương có đường mòn lối mở. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng thực thi xử lý người dân tung tin thất thiệt về dịch bệnh và các đối tượng buôn lậu, đầu cơ trục lợi găm hàng liên quan đến y tế phòng dịch.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng chỉ đạo Công an địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà rà soát xác minh các trường hợp để phòng chống dịch COVID-19.

Trả lời câu hỏi vì sao có sự trở lại người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam, Chánh văn phòng Bộ Công an phân tích người nhập cảnh trái phép vào nước ta có 2 loại, gồm người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam bất hợp pháp không có visa và một số bà con đi lao động làm việc nước láng giềng trở về.

“Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn cả về thiên tai và dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, trong khi Việt Nam lại là điểm đến an toàn. Vì thế một lượng người Trung Quốc do ảnh hưởng bởi thiên tai nên nhập cảnh sang Việt Nam để tìm việc và một số người đi du lịch. Bên cạnh đó, số người đi qua Việt Nam để sang nước khác đánh bài tương đối nhiều,” Thiếu tướng Xô chia sẻ.

Theo Thiếu tướng Xô, từ tháng Sáu đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 21 vụ nhập cảnh trái phép với 177 người nhập cảnh và đã khởi tố 5 vụ tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

 Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thành 2 đợt


Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 3/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay trong cuộc họp ngày hôm nay, Thủ tướng đã thống nhất nội dung theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thành 2 đợt.

Theo đó, với Đà Nẵng và một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội sẽ tiến hành lùi thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi sẽ tổ chức vào thời điểm thích hợp do địa phương đánh giá và đề xuất khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Với các địa phương còn lại sẽ thực hiện thi đúng kế hoạch theo phương án bảo đảm phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cũng theo ông Độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản để hướng dẫn cách thức tổ chức kỳ thi, phân loại thí sinh theo từng nhóm đối tượng. Những đối tượng đang là bệnh nhân sẽ được xét đặc cách theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đạo, trường hợp F1, F2 sẽ được tổ chức thi riêng tại một phòng riêng tại điểm thi đó.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các thí sinh diện F1, F2 trong kỳ thi đầu tiên sẽ được dừng thi và chuyển sang thi vào đợt 2.

“Như vậy lúc đó các em đã qua thời điểm bị cách ly. Còn kỳ thi ngày 8-10/8 sẽ không có trường hợp thí sinh nào đang phải cách ly hay điều trị bệnh,” ông Độ nói.

Ông Độ thông tin trong tình hình tổ chức thi 2 đợt, với việc xét tuyển Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có công văn để các trường đại học tạo điều kiện thuận lợi bằng cách có phương thức tuyển sinh chia tỷ lệ, chỉ tiêu phù hợp cho các em học sinh thi cả 2 đợt, bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh được công bằng.

Thông tin thêm, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện ngành giáo dục tại các địa phương đều đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào ngày 8-10/8, kỳ thi này liên quan đến vấn đề xét tuyển Đại học nên không thể lùi được.

Ông nhấn mạnh, việc quyết định thi như thế nào là thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Liên quan đến vấn đề xét đặc cách công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý việc này phải xem xét kỹ về pháp lý, bởi theo Luật Giáo dục học sinh tốt nghiệp đã học hết chương trình Trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định được dự thi, đạt yêu cầu thì được cấp Bằng Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Do đó, khi xét đặc cách phải báo cáo Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Liên quan đến công tác xét tuyển sinh Đại học và Cao đẳng, đặc biệt là trong 42 trường của Công an, Quân đội dựa vào phương thức xét tuyển sức khoẻ và kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng những học sinh không tiếp tục đăng ký xét tuyển vào Đại học thì không sao nhưng những học sinh xét đặc cách nếu đăng ký vào các trường này thì phải cân nhắc thực hiện thế nào cho phù hợp.

Sẽ áp dụng biểu giá điện mới từ đầu năm 2021

Liên quan đến biểu giá bán điện đang được lấy ý kiến hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục lấy ý kiến về biểu giá điện trong tháng 8 và sau tháng 8 trình Chính phủ để sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2021.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong tháng 5, tháng 6 và nửa đầu tháng 7, thời tiết nắng nóng trên địa bàn toàn quốc, nhất là ở Bắc Bộ và đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm vừa qua.

Nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn nhiều so với nhiệt độ trung bình của năm 2019. Do vậy, đã dẫn đến tiêu thụ điện tăng cao. Số lượng người dân sử dụng thiết bị làm mát, điều hòa không khí tăng rất mạnh.

Theo số liệu báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện có 26 triệu khách hàng trên toàn quốc sử dụng điện; trong đó, có 3,1 triệu khách hàng có mức sử dụng điện trong tháng 5 cao, tăng từ 30% trở lên so với tháng 4.

Đặc biệt trong số này, có 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng đến 50% và có 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng tới trên 300% so với tháng 4.

So với tháng 5, trong tháng 6 số khách hàng có lượng tiêu thụ cao tăng là 7,6 triệu khách hàng. Tỷ lệ tăng cao nhất là ở Hà Nội, miền Bắc và miền Trung do yếu tố nắng nóng.

Vì vậy, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều khách hàng đã có thắc mắc về ghi chỉ số điện và hóa đơn tiền điện tăng cao.

“Bộ Công Thương chia sẻ với bức xúc của khách hành có tiền điện tăng cao đột biến và Bộ Công Thương đã đưa ra 5 giải pháp khắc phục,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các Tổng công ty điện lực trực thuộc EVN nâng cao dịch vụ khách hàng. Trước hết, kiểm tra các thắc mắc, kiến nghị khách hàng nêu trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, yêu cầu EVN xử lý nghiêm khắc các sai phạm về lỗi kỹ thuật hay việc ghi chỉ số và những sai phạm khác.

Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu EVN thông báo hóa đơn tiền điện khách hàng thông qua các phần mềm và triển khai thay thế côngtơ cơ bằng côngtơ điện tử.

Từ đó, phấn đấu đến năm 2025, miền Trung và cả địa bàn quản lý của Tổng công ty sẽ được thay thế 100% công tơ điện tử. Ở những vùng sâu, vùng xa miền núi sẽ được thay thế 50%.

Bộ Công Thương cũng đã thực hiện sửa đổi cải tiến biển giá bán lẻ điện. Bộ đã nghiên cứu sửa đổi biểu giá bán lẻ điện bậc thang; lấy ý kiến các cơ quan từ Quốc hội, hiệp hội ngành hàng và các địa phương.

Thông qua tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Bộ sẽ triển khai các phương án để khách hàng có thể lựa chọn áp dụng biểu giá bán điện bậc thang hoặc biểu giá bán điện một bậc.

Từ đó tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục lấy ý kiến trong tháng 8 và sau tháng 8, Bộ sẽ trình Chính phủ để chính thức áp dụng từ đầu năm 2021.

Bình luận (0)

Lên đầu trang