Kỳ vọng dịch vụ phục hồi
Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được công bố hôm 13-1, WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2022 và sau đó ổn định về mức khoảng 6,5%. Dự báo này dựa trên giả định là đại dịch sẽ được kiểm soát cả trong nước và quốc tế.
“Trong điều kiện như vậy kết hợp với nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và dịch tễ, khu vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi phần nào khi nhà đầu tư và người tiêu dùng củng cố niềm tin vào năm 2022” - báo cáo nêu.
Khách du lịch quốc tế được kỳ vọng sẽ trở lại Việt Nam từ giữa năm nay
Cùng với đó, kỳ vọng khách du lịch quốc tế quay trở lại từ giữa năm 2022 trở đi sẽ giúp cho ngành du lịch Việt Nam từng bước phục hồi.
WB cũng nhận định, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu ổn định tại các nền kinh tế Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, do các quốc gia này tiếp tục tăng trưởng mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.
Thêm vào đó, quá trình phục hồi kinh tế sẽ được hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nới lỏng hơn, ít nhất trong nửa đầu năm 2022 với những chính sách giúp đẩy mạnh cầu tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, WB khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền nên quay lại với củng cố tài khóa từ năm 2023. Chính sách tiền tệ sẽ quay lại cách tiếp cận an toàn nhằm cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của khu vực tài chính.
Cán cân vãng lai được kỳ vọng sẽ đạt thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ kết quả xuất khẩu và dòng kiều hối tiếp tục xu hướng tăng trưởng vững chắc. Do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, nên thặng dư chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 1,5-2% GDP trong trung hạn. Kiều hối dự kiến đóng góp ổn định từ 18 tỷ USD đến 20 tỷ USD cho tài khoản vãng lai trong trung hạn.
Cán cân tài chính dự kiến sẽ được hưởng lợi với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định, đến nay vẫn đứng vững trong giai đoạn đại dịch và dự kiến sẽ phục hồi về các mức trước COVID-19. Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư càng trở nên thu hút hơn với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhu cầu đa dạng hóa nguồn sản xuất của nhiều chính phủ và tập đoàn đa quốc gia hậu COVID-19.
Vẫn ẩn chứa rủi ro
Điều này xảy ra khi dịch COVID-19, bao gồm các biến thể như Omicron, có thể bùng phát trước khi vắc-xin được phủ trên diện rộng, buộc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội và làm chậm quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Cùng với hạn chế về cung, WB khuyến nghị Việt Nam cần xử lý thách thức về thiếu hụt lao động
Dù vậy, duy trì tốc độ tiêm vắc-xin cao, áp dụng mũi tiêm bổ sung cho người dân trong năm 2022 và duy trì thực hiện “Thông điệp 5K” trên toàn quốc sẽ giúp Việt Nam giảm rủi ro biến thể mới lây lan trong cộng đồng.
Rủi ro khác, theo WB, nhiều quốc gia không còn nhiều dư địa để áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm xử lý khủng hoảng kéo dài sẽ làm tăng bất định và rủi ro cho đà phục hồi trên toàn cầu và ảnh hưởng đến Việt Nam. Cùng với đó, việc các quốc gia lớn có nền kinh tế phục hồi trong năm 2021 dự kiến sẽ gỡ bỏ dần các chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng đến khu vực tài chính ở nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
“Những nền kinh tế lớn cũng sẽ quay trở về xu hướng kinh tế dài hạn nên tăng trưởng dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sẽ giảm lần lượt xuống còn 3,8% và 5,1% trong năm 2022, càng làm tăng bất định và rủi ro cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu, qua đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam” - WB dự báo.
Bên cạnh những bất định liên quan đến tương lai của đại dịch, WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần tiến hành những biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của rủi ro tài khóa, rủi ro xã hội và rủi ro ở khu vực tài chính.
Nhìn chung, WB đánh giá, viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là tích cực, với điều kiện tiếp tục triển khai vắc-xin trên toàn quốc, các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi, cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu.
Và để đảm bảo nền kinh tế phục hồi thành công trong thời gian tới, theo WB, các cấp có thẩm quyền của Việt Nam cần xử lý hai thách thức, là những hạn chế về cung liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động gây ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất sau khi mở cửa.
Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cần vạch ra kế hoạch để chấm dứt đóng cửa biên giới quốc tế cũng như khôi phục sự phát triển của ngành du lịch để ngành này tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế.
“Dĩ nhiên, chiến lược đó đòi hỏi phải kiểm soát dịch liên tục trong năm 2022” - WB lưu ý.