Tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược để thúc đẩy ĐBSCL phát triển xứng tầm

Chủ Nhật, 06/03/2022 14:55

|

(CAO) Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển hạ tầng chiến lược (gồm: giao thông; hạ tầng xã hội; hạ tầng chống biến đổi khí hậu; hạ tầng số; hạ tầng chuyển đổi năng lượng). Đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi nghề; đầu tư khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Xây dựng thương hiệu sản phẩm của vùng... để thúc đẩy ĐBSCL phát triển xứng tầm.

Sáng 6/3, tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì Hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Khát vọng nông nghiệp Đất Chín Rồng xanh- sinh thái-bền vững,” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ủy ban nhân dân của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp tổ chức.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trả lời câu hỏi tại sao vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo, đầu tư, song vẫn chưa phát triển như mong muốn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các đại biểu tập trung vào các vấn đề: tư duy đột phá để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; tầm nhìn chiến lược để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong số đó, phải đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển hạ tầng; đào tạo, phát huy nguồn nhân lực; đầu tư khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất lao động; cách thức tổ chức, quản trị; mở rộng thị trường tìm đầu ra cho các sản phẩm trong vùng...

Cùng với các ý kiến theo yêu cầu của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các hiệp hội doanh nghiệp cũng thảo luận làm rõ thêm về tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, đề xuất của nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đầu tư cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp trong vùng có nhiều nỗ lực nên vùng Đồng bằng sông Cửu Long có những bước phát triển vượt bậc.

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng.

Bước đầu, vùng đã thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản-trái cây-lúa gạo chất lượng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đã hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phát triển chưa tương xứng. Nguyên nhân do có một số tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức lớn như: việc chuyển đổi tư duy sản xuất còn chậm, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn là chủ lực. Giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ.

Sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng bởi những tác động khách quan như: biến đổi khí hậu-nước biển dâng; các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong...

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định về các vấn đề liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ một số nội dung mà các tỉnh, thành phố cần tập trung để đẩy phát triển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững; theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống, vật chất tinh thần nhân dân; giữ vững an ninh, quốc phòng; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo Thủ tướng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nông nghiệp phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp phải trong mối quan hệ và gắn chặt với phát triển công nghiệp, dịch vụ.

“Tư duy phải đột phá; tầm nhìn phải chiến lược; chủ động thích ứng; chuyển đổi linh hoạt; giá trị nâng cao; nguồn lực công-tư; đời sống chất lượng,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa); nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá (nguồn vốn, quản trị, công nghệ...). Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, có trọng tâm, trọng điểm.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách.

Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện 4 tốt trong quy hoạch “quy hoạch tốt để có dự án tốt dự án tốt; có dự án tốt để có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt để có sản phẩm tốt.” Tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược (gồm: giao thông; hạ tầng xã hội; hạ tầng chống biến đổi khí hậu; hạ tầng số; hạ tầng chuyển đổi năng lượng). Đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi nghề; đầu tư khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Xây dựng thương hiệu sản phẩm của vùng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tranh thủ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các thị trường Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông...

Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phải theo hướng quản trị hiện đại, đi từ nhỏ đến lớn, từ khó đến dễ, từ đơn giản đến phức tạp; đẩy mạnh liên kết vùng trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

“Các bộ, ngành phải đồng hành cùng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, song cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp các địa phương phải chủ động, vì không ai lo cho mình bằng chính mình,” Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng thời gian tới ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, trở thành nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; nông dân ngày càng giàu có, người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; nông thôn ngày càng sạch đẹp, hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn...

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

13 bài toán khó trong phát triển ngành lúa gạo ĐBSCL

Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời nêu 13 bài toán khó trong phát triển ngành lúa gạo ĐBSCL: Được mùa mất giá; mất mùa được giá; chi phí sản xuất tăng cao; hiệu quả sản xuất của hộ nông dân thấp; chất lượng lúa gạo; hệ thống kho vận (logistics) không đồng bộ; bảo quản sau thu hoạch và giảm hao hụt trong sản xuất nông sản; bảo vệ môi trường: giảm hóa chất, cân bằng giữa các yếu tố hữu cơ, sinh học và hóa học; lao động nông nghiệp và năng suất lao động trong nông nghiệp: cơ giới hóa đồng bộ; liên kết sản xuất chưa hiệu quả, chưa gắn được sản xuất với tiêu thụ ổn định; chế biến sâu; phát triển bền vững: ổn định và hiệu quả liên tục; giảm lượng phát thải carbon trong trồng lúa.

Ông Thòn cho rằng, muốn giải được các bài toán nêu trên, giải pháp hàng đầu là phát triển mô hình hợp tác xã để liên kết sản xuất, hướng tới các hợp tác xã có diện tích tối thiểu 1.000 hecta.

Trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp, "giảm thuốc, giảm phân", sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ theo tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, quy hoạch vùng trồng, chế biến sâu… để giảm giá thành, nâng chất lượng, bán được giá cao…

"Hợp tác xã là con đường tất yếu, khách quan để phát triển nông nghiệp" - ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang