Cuộc chiến chống Covid-19 ở TPHCM: Thần tốc và phải chiến thắng!

Thứ Hai, 28/06/2021 12:43

|

(CATP) Sẽ có 6/9 triệu dân TPHCM thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19. Thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng thần tốc với 6% dân số TP được tiêm vắc-xin, sau đợt tiêm này. Phấn đấu từ nay đến cuối năm tiêm chủng cho 75% dân số TP ở độ tuổi 18 - 65, để được miễn dịch cộng đồng.

Chiều 26-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TPHCM và các địa phương lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm đưa ra những chỉ đạo mới nhất về công tác phòng chống dịch, tiến đến ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh lân cận, cần phải có những biện pháp quyết liệt để dập dịch, đảm bảo sản xuất và các chuỗi cung ứng cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

An toàn với chiến lược vắc-xin

Ngày 26-6, thăm và làm việc tại Công ty Medicon, kiểm tra dây chuyền thiết kế và tình hình sản xuất test thử xét nghiệm nhanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, phòng chống Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, do đó phải nhanh chóng và khẩn cấp hơn nữa trong chiến lược vắc-xin, thực hiện mua, nghiên cứu sản xuất, và triển khai tiêm chủng nhanh chóng, hiệu quả, an toàn.

Thủ tướng nhấn mạnh tính "an toàn" của chiến lược tiêm chủng vắc-xin trên toàn quốc và cả an toàn trong công tác tiêm chủng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 Nanocovax tại khu công nghệ cao TPHCM

Phó chủ tịch UBND TPHCM, thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TP triển khai chiến dịch tiêm hơn 800.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của TP, được triển khai trong hoàn cảnh đặc biệt khi vừa yêu cầu đảm bảo tiến độ, kế hoạch, an toàn tiêm chủng nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch khi TP đang áp dụng Chỉ thị 10. Yêu cầu đặt ra, dù công tác chuẩn bị trong điều kiện gấp rút, thời gian tiêm ngắn nhưng phải đảm bảo an toàn.

Tính đến 19 giờ ngày 26-6, TPHCM đã tiêm ngừa được gần 630.000 liều vắc-xin phòng Covid-19. Như vậy, vẫn còn khoảng 180.000 liều vắc-xin phải tiêm chủng trong ngày chủ nhật và thứ hai.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đây là đợt thứ 4 TP tổ chức tiêm vắc-xin cho các đối tượng, tổng 3 đợt đầu 140.000 liều, nếu tính cả đợt 4 tổng số 944.000 liều. Sau khi tiêm hết đợt 4, tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 trên địa bàn TPHCM đạt 6%.

Nhìn chung đợt tiêm phòng Covid-19 lần thứ 4 với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã thành công nhưng vẫn để lại những vấn đề trong công tác tổ chức tiêm mà TPHCM và các ban ngành liên quan đã rút kinh nghiệm.

Khắc phục ngay những bất cập

Cảnh người dân chen chúc nhau đi tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 sáng 25-6, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11 - do Sở Y tế tổ chức), gây lo lắng trong dư luận về khả năng có thể làm lây lan dịch bệnh, đặc biệt ở các điểm khai báo y tế. Thậm chí đến chiều tối, điểm tiêm này vẫn chật ních người, dồn ứ. Theo cơ quan chức năng, năng lực tiêm tối đa tại điểm Nhà thi đấu Phú Thọ là 8.000 người/8 tiếng (chia đều 1.000 người/tiếng) nhưng dòng người đi tiêm vẫn dồn ứ. Nguyên nhân, theo Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long là do thời gian tiêm cho các đối tượng chưa được phân bổ hợp lý, nhiều người không được thông báo giờ tiêm chính xác nên đã đến điểm tiêm từ rất sớm, gây ùn tắc. Ngay sau đó, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã phải trực tiếp đến kiểm tra tại điểm tiêm này và tổ chức điều phối lại.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức nhiều điểm tiêm di động, cần các đội cấp cứu phải thường trực, huy động chuyên gia cấp cứu từ nhiều nơi đến... nên công tác tổ chức tiêm vắc-xin trong những ngày đầu còn nhiều lúng túng, thiếu sót, cần sự phối hợp đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, các khuyết điểm này đã nhanh chóng được khắc phục.

TPHCM sẵn sàng trong mọi tình huống

Thông tin chỉ trong 24 giờ, từ 6 giờ ngày 24-6 đến 6 giờ ngày 25-6, TPHCM ghi nhận 667 trường hợp mắc Covid-19, đã làm cho người dân lo âu. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất trong đợt "sóng" dịch Covid-19 thứ 4 ở TPHCM, dù có đến 637 trường hợp phát hiện trong khu cách ly và khu phong tỏa. Và ngày chủ nhật 27-6, thành phố cũng có 200 ca mắc Covid-19.

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh: "Đây là thời điểm thử thách năng lực TP khi tiến hành song song 4 mũi chiến lược cấp bách phòng chống dịch, là tăng cường xét nghiệm diện rộng, truy vết, nâng năng lực điều trị và chương trình tiêm chủng vắc-xin. Nhận định này được ông Bỉnh đưa ra trong cuộc họp báo ngày 25-6, khi ấy TPHCM có hơn 2.900 ca nhiễm. Đến sáng 27-6, số ca nhiễm tại TP đã vượt 3.000, xếp thứ hai trên cả nước về tổng ca nhiễm trong đợt dịch này, chỉ sau Bắc Giang.

Ngay từ những ngày đầu của đợt "sóng" Covid-19 lần thứ 4, ngành y tế TPHCM đã chuẩn bị các phương án đối phó tích cực.

Bộ Y tế hướng dẫn TPHCM thí điểm cách ly F1 tại nhà

Ngày 27-6, Bộ Y tế có công văn gửi UBND TPHCM về việc thí điểm hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1.

Theo đó, yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị cho người F1 cách ly tại nhà: Là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập); Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19".

Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế; Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt)...Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định.

Về số giường bệnh, TP đã liên tục nâng số lượng giường điều trị Covid-19. Trước đó TP lên kế hoạch 1.000 giường, mở Bệnh viện Dã chiến Củ Chi 300 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ 600 giường. Sau đó bổ sung thêm 2.000 giường, gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM 400 giường, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch 500 giường, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố 100 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi 500 giường, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 60 giường, Bệnh viện Chợ Rẫy nâng công suất thành 100 giường hồi sức. Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương 1.000 giường tiếp nhận bệnh từ 19-6, nâng số giường điều trị Covid-19 ở TPHCM lên 3.500.

Tiếp theo đó khi số ca mắc lên hơn 2.000, nhiều bệnh viện sắp hết giường, ngày 24-6, Sở Y tế trưng dụng hai bệnh viện, đưa tổng số giường lên bằng kịch bản 5.000 ca, gồm Bệnh viện Điều trị Covid-19 Bình Chánh 500 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức 1.000 giường. Ngày 26-6, khi mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hết thời hạn cách ly, ngay lập tức chấp hành chỉ đạo của Sở Y tế TP, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã cùng các đơn vị thiết lập ngay hai bệnh viện dã chiến từ hai ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Như vậy đến ngày 27-6, tổng số giường điều trị Covid-19 của TPHCM đã lên đến 10.000.

Để đáp ứng công tác điều trị, TP cũng quyết định áp dụng mô hình điều trị theo hình "tháp ba tầng" từng được Bộ Y tế triển khai thành công tại Bắc Giang. Theo đó, tầng một là các bệnh viện dã chiến điều trị ca nhẹ hoặc không có triệu chứng; tầng hai là các bệnh viện được chuyển đổi công năng, tiếp nhận các ca có triệu chứng; tầng ba là các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp nặng và nguy kịch.

Một chiến lược khác TPHCM triển khai là xét nghiệm trên diện rộng. Theo đó sẽ có hơn 5 triệu người dân tại tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức được xét nghiệm tầm soát từ ngày 26-6 đến 5-7, tính trung bình mỗi ngày nhân viên y tế phải tầm soát trên dưới 500.000 mẫu, một số lượng cực lớn. Ngoài ra gần 89.000 thí sinh và giáo viên cũng được xét nghiệm tầm soát Covid-19 trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Cộng với số lượng mẫu đã xét nghiệm trước đó tại các điểm dịch, TPHCM có gần 6/9 triệu dân được xét nghiệm tầm soát.

"Xét nghiệm càng nhanh càng tốt mới có thể chặn được sự lây lan, khi mà chu kỳ lây nhiễm của biến chủng Delta ngắn hơn nhiều so với các chủng trước đây", Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nói trong cuộc họp báo ngày 25-6.

Theo tính toán của các chuyên gia, TPHCM sẽ cần 14 triệu liều vắc-xin nếu tiêm đủ 2 mũi. Sau khi tiêm hết đợt 4, TPHCM sẽ đạt 6% độ phủ vắc-xin trong cộng đồng. Mục tiêu của TPHCM là phấn đấu đến cuối năm nay 2/3 người dân tại TP được tiêm vắc-xin Covid-19. Đến nay TPHCM đã qua 4 đợt tiếp nhận vắc-xin với 944.000 liều. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ nhận được khoảng hơn 100 triệu liều. TPHCM có quy mô dân số chiếm 10% cả nước, có thể sẽ nhận khoảng 10 triệu liều - đảm bảo đủ mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số ở độ tuổi 18 - 65. TPHCM cũng đang chủ động đàm phán mua vắc-xin, với mục tiêu 5 - 10 triệu liều trong năm nay.

Sáng 27-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến Bình Dương kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh nhân Covid-19. Cùng đi có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Đến kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đến thăm thân nhân, người nhà của bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Sau khi đi thăm thực địa, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo Bình Dương tại UBND tỉnh.

Hiện tại Bình Dương đang điều trị 228 bệnh nhân (226 bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng, 1 ca tái dương tính từ Khánh Hòa, 1 chuyên gia nhập cảnh). Trong đó, số ca điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương là 155 ca, Trung tâm Y tế Tân Uyên là 5 ca và Trung tâm Y tế Thuận An là 68 ca. Trong số các bệnh nhân này có 1 bệnh nhân nặng thở máy và 3 bệnh nhân thở oxy. Bệnh viện đã triển khai phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế với cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ quá trình điều trị các ca mắc Covid-19.

Tỉnh Bình Dương cũng đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả lực lượng tuyến đầu chống dịch. Phòng chống dịch bệnh lây lan trong khu, cụm công nghiệp ở Bình Dương, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Y tế tăng cường vắc-xin để tiêm phòng cho công nhân lao động.

Mới đây, Bộ Y tế chủ trương phân bổ từ 500.000 - 1 triệu liều vắc-xin để tiêm cho công nhân. Trong tháng 7 này, Bình Dương sẽ triển khai tiêm vắc-xin đợt 4 tại doanh nghiệp, ưu tiên cho những người tiếp xúc nhiều và có nguy cơ cao.

Hồng Cường - Mai Xuân

Bình luận (0)

Lên đầu trang