Thực hiện ngay chi trả hỗ trợ cho lực lượng chống dịch

Thứ Năm, 16/06/2022 15:40

|

(CAO) Cùng với yêu cầu này, Quốc hội yêu cầu sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y tế.

Tháo gỡ vướng mắc, bất cập để đấu thầu, mua sắm thuốc

Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (16/6) với đa số đại biểu tán thành. Tại Nghị quyết này, Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Tuy nhiên, Quốc hội lưu ý các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 16/6

Công tác dự báo thu ngân sách nhà nước, theo Quốc hội, chưa sát thực tiễn. Phân bổ, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; chi chuyển nguồn ngân sách còn lớn; việc thực hiện một số kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, các cơ quan chức năng khác chưa nghiêm.

Nguy cơ nợ xấu, lạm phát tăng cao; sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến tích cực; còn nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế…

Để tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Quốc hội đề nghị bám sát diễn biến và dự báo tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của ngân hàng trung ương các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn để kịp thời có giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả, đồng bộ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công...

Theo yêu cầu của Quốc hội, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra, giám sát và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Quốc hội yêu cầu thực hiện ngay việc chi trả hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ Y tế tham gia phòng, chống dịch. Sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y tế từ trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự do sai phạm, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tiếp thu, giải trình Nghị quyết kỳ họp

Kiên quyết thu hồi đất đã giao mà chưa sử dụng theo quy định

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; có giải pháp tăng thu nhập để bảo đảm cho người lao động và gia đình ổn định cuộc sống, gắn bó với doanh nghiệp, Quốc hội đề nghị tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa sau đại dịch COVID-19.

Vẫn theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra và các cơ quan chức năng khác.

Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 66/2013/QH13.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hoàn thành các dự án thành phần đang triển khai đã được bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả toàn tuyến đường; kiểm toán, quyết toán kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật.

Đối với các dự án còn lại, Quốc hội yêu cầu đến năm 2025 hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Liên quan đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội yêu cầu triệt để tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước, kiên quyết thu hồi đất đã giao mà chưa sử dụng theo quy định, đất do hành vi vi phạm pháp luật mà có; hằng năm, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát, xử lý các vi phạm này tại kỳ họp giữa năm…

Về điều chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước, Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước cho 5 dự án, gồm: 1 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư và 4 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Bình luận (0)

Lên đầu trang