Tiền Giang: Doanh nghiệp cầu cứu Thủ tướng, lãnh đạo địa phương nói gì?

Thứ Bảy, 23/10/2021 09:21

|

(CATP) Hiện hầu hết các địa phương thực hiện theo Nghị quyết (NQ) 128 của Thủ tướng, nhưng tỉnh Tiền Giang (TG) vẫn có nhiều quy định lạ đời. Doanh nghiệp (DN) thực hiện phương án "Ba tại chỗ" hoặc "Một cung đường, hai điểm đến", hạn chế người dân ra đường từ 7 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau... Cho rằng bị "làm khó", hàng loạt DN gửi đơn cầu cứu Thủ tướng.

DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG MỆT MỎI

Vừa qua, 19 DN với tổng số gần 70.000 lao động (LĐ) trong các khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã gửi thư cầu cứu tới Thủ tướng. Phía người lao động (NLĐ) tại các DN dù đã được tiêm mũi 1 vắc-xin đủ 14 ngày, đạt hơn 80% vẫn chưa được quay lại các nhà máy (NM) làm việc, bởi theo quan điểm của tỉnh là "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất", cần đến khi 100% NLĐ tiêm mũi 2 đủ 14 ngày và người nhà của họ được tiêm đủ vắc-xin thì mới đảm bảo an toàn để có thể cho DN hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới. Trước yêu cầu trên, DN cho rằng bị địa phương làm khó.

Trong thư cầu cứu, cộng đồng các doanh nghiệp FDI kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo UBND tỉnh TG không bắt buộc phải sản xuất (SX) theo mô hình "Ba tại chỗ" hoặc "Một cung đường, hai điểm đến" trên địa bàn tỉnh; đồng thời cho NLĐ đang sinh sống tại vùng cấp độ 1-3 đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin đủ 14 ngày được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy SX vào đầu tháng 11. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống (PC) dịch trong cơ quan cũng như cam kết của DN và NLĐ.

Theo các doanh nghiệp, phương án "Ba tại chỗ", "Một cung đường, hai điểm đến" tỉnh Tiền Giang thực hiện không phù hợp

Đối với việc xét nghiệm (XN), các DN mong muốn chỉ test nhanh kháng nguyên và không bắt buộc XN Realtime PCR mẫu đơn cho NLĐ trước ngày đầu tiên quay lại làm việc. Quá trình SX, DN sẽ thực hiện XN hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế (YT). Bên cạnh đó, DN đề nghị cho phép NLĐ ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin quay lại TG làm việc và không giới hạn thời gian giới nghiêm (7 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau) đối với NLĐ trong quá trình đến NM làm việc.

Trước đó, ngày 1-10, cộng đồng một số DN lớn trên địa bàn tỉnh TG cũng đã gửi thư kêu cứu tới chủ tịch UBND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như chưa thấy sự thay đổi tích cực nào. Trong khi đầu tháng 10-2021, nhiều tỉnh thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho DN, NLĐ các vấn đề cần làm khi SX trở lại, nhưng tỉnh TG vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình SX "Ba tại chỗ" làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu XN phức tạp hơn quy định của Bộ YT, gây khó khăn cho NLĐ cũng như lãng phí tài chính của DN trong lúc khó khăn.

"Việc tỉnh TG "một mình đi một đường" khiến DN và NLĐ gặp khó. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân (CN) LĐ tại các DN vẫn phải tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", đời sống kinh tế khó khăn. Chuỗi cung ứng đứt gãy, khách hàng quốc tế, DN và NLĐ đều cạn kiệt", thư cầu cứu nêu rõ. Với những lý do trên, các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng cần có giải pháp từ phía Chính phủ để cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước "tối hậu thư" của khách hàng, cùng với hàng nghìn tỷ đồng giá trị nguyên vật liệu bỏ ngổn ngang suốt nhiều tháng ròng.

TỈNH SẼ BÁO CÁO THỦ TƯỚNG

Trước đơn cầu cứu của DN, ngày 21-10 UBND tỉnh TG tổ chức họp báo. Giải thích về quy định hạn chế người dân ra đường từ 7 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, ông Nguyễn Văn Mười - Phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết: "Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu tùy vào tình thực tế tại địa phương sẽ linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung. Tiền Giang không cấm, chỉ khuyến cáo hạn chế trong khung giờ trên. Hiện nay, 100% CN trong khu công nghiệp (KCN) của Tiền Giang đã được tiêm mũi 1. Chúng tôi đang tăng tốc tiêm vắc-xin cho CN. Đặc biệt, trả mũi 2 cho CN...", ông Mười cho hay.

Ông Nguyễn Văn Mười - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - tại buổi họp báo

Về việc người dân từ tỉnh ngoài về TG phải chịu chi phí cách ly (CL), XN, ông Mười lý giải, theo các văn bản hiện hành thì những khoản chi phí cho người CL chỉ dùng ngân sách lo cho F1, F0; còn các đối tượng khác không được chi ngân sách, mà người dân phải chịu chi phí. Ông Mười nói: "Tỉnh rất thông cảm với bà con, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn. Do quy định của Trung ương, nên về nguyên tắc, người về tỉnh phải tự chịu chi phí CL, XN. Rất nhiều trường hợp về phải thực hiện CL tập trung, XN. Trước mắt, dân về không có khả năng lo chi phí đó thì tỉnh sẽ xuất ngân sách ra để lo ăn uống cho người dân và cả chi phí XN...".

Việc TG vẫn áp dụng nhiều biện pháp PC dịch mà theo DN và người dân là quá gắt gao, trong đó tiếp tục áp dụng hình thức SX "Ba tại chỗ" khiến DN và NLĐ gặp khó khăn, ông Nguyễn Nhật Trường - Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang - cho biết, từ ngày 15-7, tỉnh này đã thực hiện phương án "Ba tại chỗ". Giai đoạn đầu triển khai có 71/186 DN thực hiện, nhưng dịch bùng phát tại gần 10 DN với khoảng 1.000 người... UBND tỉnh TG ban hành bộ tiêu chí tạm thời để phù hợp với tình hình thực tiễn, bối cảnh PC dịch… Từ ngày 5-8, tỉnh đã cho tiếp tục hình thức SX "Ba tại chỗ" đến nay. Hiện có 76/186 DN thực hiện phương án này với hơn 17.000 người.

Ông Trường chia sẻ: "Chúng ta không thể coi mô hình "Ba tại chỗ" là định hình khâu SX. Đây là một trong những mô hình, tình huống xử lý dịch khi tỉ lệ tiêm vắc-xin còn ít... Tình hình dịch của TG thời gian gần đây dù đã kiểm soát được nhưng tính bền vững chưa cao, người từ ngoài tỉnh về rất nhiều...".

Đối với đề nghị không bắt buộc mô hình "Ba tại chỗ", "Một cung đường, hai điểm đến", ông Trường cho biết: "Nói "Ba tại chỗ" nhưng thật ra UBND tỉnh rất uyển chuyển, linh hoạt trong thực hiện. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn "Ba tại chỗ" hoặc là chọn nơi lưu trú nhà trọ, khách sạn bên ngoài, có xe đưa đón tập trung. Chúng ta có ba mô hình gồm: "Ba tại chỗ", "Một cung đường, hai điểm đến" và kết hợp cả hai. Chúng ta có mô hình rất độc đáo, đặc sắc so với các tỉnh khác...". Theo ông, từ ngày 5-8 đến nay, không có F0 trong các DN, điều này chứng minh việc xây dựng kế hoạch và thực hiện rất đúng đắn, DN cũng không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Trường cho biết thêm, những DN phản ứng là DN có số LĐ lớn. "Doanh nghiệp trên 10.000 người thì không biết sắp xếp chỗ nào ăn ở, ngủ nghỉ. Thậm chí trong tỉnh cũng chẳng có nhà trọ, khách sạn nào chứa đủ 1.000 người lưu trú tập trung... Chúng ta không thể trả giá sức khỏe của NLĐ, của người dân ngoài cộng đồng. Dịch bùng phát lại thì những công sức, thành tựu trước đây sẽ bị phá vỡ hết. Doanh nghiệp chưa SX được bao nhiêu, dịch bùng lên thì chúng ta lại tốn thêm thời gian, công sức và nguồn lực của xã hội", ông nhấn mạnh.

Tiền Giang sẽ có giải trình, báo cáo cụ thể với Thủ tướng về vấn đề này. Theo DN, trả lời trên là chưa thỏa đáng, theo đúng tinh thần NQ128 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi vì sao máy xét nghiệm PCR lại "trùm mền" tại Bệnh viện Phụ sản (BVPS) Tiền Giang nhiều tháng nay và việc mua kit test nhanh Covid-19 giá cao gấp 2 lần so với nơi khác, gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Mười - Phó chủ tịch UBND tỉnh TG - cho biết, hiện đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí PC dịch Covid-19 của tỉnh vẫn đang làm việc và sẽ có báo cáo cụ thể. Theo UBND tỉnh TG, có thể việc mua kit test nhanh vào thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhu cầu vật tư YT tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế là nguyên nhân khiến giá tăng.

Việc máy xét nghiệm PCR tại BVPS Tiền Giang "trùm mền" suốt nhiều tháng khi dịch bùng phát mạnh, ông Mười lý giải, máy này tỉnh không mua mà được 1 DN tài trợ và Sở YT tỉnh cấp về cho BVPS Tiền Giang theo quy định của Bộ YT. Thời điểm tiếp nhận máy PCR, nguồn nhân lực của BV không đáp ứng được nhu cầu vận hành. Ngoài ra, cần trang bị thêm sinh phẩm bổ sung cũng như phòng XN đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học mới có thể hoạt động. Đến ngày 31-8, việc mua sắm các thiết bị cần thiết cho phương tiện hoạt động cũng đã hoàn tất. Phòng XN đạt an toàn sinh học, hoàn thành ngày 31-9, nhưng do dịch bệnh nên hiện tại BV mới có kế hoạch cử nhân viên đi tập huấn. Tỉnh cũng đang đợi Viện Pasteur TPHCM cấp giấy kiểm định để đưa máy PCR trên vào hoạt động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang