Tiêu chuẩn và quyền lợi khi tham gia Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở

Thứ Hai, 01/07/2024 06:01  | Thanh Hòa

|

(CAO) Sáng nay, ngày 1/7, Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại mỗi tỉnh, thành phố cũng chọn 01 địa bàn cấp huyện để tổ chức Lễ ra mắt điểm.

Điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở

Bộ Công an đã lựa chọn 12 địa phương làm điểm tổ chức Lễ ra mắt, gồm: Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau. Ngoài 12 địa phương chọn làm điểm, tất cả Công an các địa phương còn lại trên toàn quốc cũng đã hoàn thành xây dựng và trình UBND tỉnh, thành kế hoạch tổ chức lễ ra mắt vào cùng ngày 1/7.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, có 05 chương, 33 điều, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới.

Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố vào hôm nay. Ảnh minh hoạ

Theo đó, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, khu phố... làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm: Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Để tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở: Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi (trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã);

Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;

Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;

Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng những quyền lợi gì?

Người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ.

Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau: Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân; Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.

Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng này bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ, Điều 24 của Luật quy định: Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.

Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

TPHCM sẽ thành lập mỗi khu phố một tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Để triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, UBND TPHCM đề xuất mỗi khu phố, ấp thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Tổ bảo vệ an ninh, trật tự gồm 3 thành viên, gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 1 Tổ viên. Trường hợp khu phố, ấp có trên 2.700 nhân khẩu được bố trí thêm 1 Tổ viên và cứ 900 nhân khẩu tăng thêm được bố trí thêm 1 Tổ viên. 

TP đề xuất sau khi bố trí Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo Luật nhưng chưa đảm bảo số lượng hoặc những trường hợp đang giữ chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng không đảm bảo sức khỏe, năng lực, trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ của Tổ trưởng, Tổ phó thì Công an cấp xã đề xuất Chủ tịch UBND cùng cấp ưu tiên xem xét, quyết định công nhận Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là những đồng chí từng là Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ dân phố hoặc Công an xã bán chuyên trách có nhiều kinh nghiệm, có uy tín, đảm bảo sức khỏe, nhiệt tình công tác, đã được bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ.

 Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại TPHCM tham gia tổng duyệt để chuẩn bị cho lễ ra mắt vào ngày hôm nay (1-7)

UBND cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định. Trang bị công cụ hỗ trợ; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài danh mục phương tiện, thiết bị nêu trên, căn cứ đặc điểm địa bàn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, có thể trang bị thêm phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên cơ sở các quy định của Luật và Nghị định số 40/2024/NĐ-CP, UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm Hỗ trợ phụ cấp hằng tháng theo trình độ đối với từng chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Chế độ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ; Hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Bình luận (0)

Lên đầu trang