Tín hiệu lạc quan

Thứ Năm, 13/09/2018 17:35

|

(CAO) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, tổ chức tại Hà Nội, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày các ý tưởng về xây dựng một ASEAN thống nhất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại.

Phát biểu ấy không chỉ gây ấn tượng đối với công chúng bằng sự độc đáo và hấp dẫn của những sáng kiến liên quan đến kỹ thuật số đề ra bởi một quan chức nhà nước có trình độ chuyên môn của chuyên gia. Ấn tượng mạnh nhất đến từ việc diễn giả trình bày suy nghĩ bằng tiếng Anh với phong thái tự tin, chinh phục và khả năng diễn đạt trôi chảy.

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ 3 sáng kiến về 1 ASEAN phẳng tại hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: WEF

Lâu nay, người ta vẫn thường nghe xì xào những lời bình phẩm không tích cực về năng lực giao tiếp của không ít quan chức Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Ai cũng hiểu đất nước đi lên và hội nhập từ một xuất phát điểm thấp.

Bởi vậy, yêu cầu quan trọng đối với người mang hình ảnh của đất nước khi xuất hiện trong không gian xuyên quốc gia, là phải biết thích ứng với khung cảnh. Một trong những biểu hiện của sự thích ứng là khả năng làm chủ một ngoại ngữ thông dụng trong giao tiếp quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh.

Chính sự yếu kém trong việc sử dụng tiếng Anh được cho là một trong những nguyên nhân chính làm hạn chế hiệu quả hoạt động đàm phán, thương lượng, thảo luận trên các sân chơi khu vực và toàn cầu trong thời gian qua. Một trong những hệ luỵ nhãn tiền của tình trạng này là sự tăng cao giá thành sản phẩm, dịch vụ do phát sinh nhiều chi phí cơ hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ nội địa.

Tất nhiên, trong bối cảnh thế giới đương đại có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đối với sự tồn vong của quốc gia, của thể chế, thì việc lựa chọn người để đặt vào một vị trí quan trọng trong bộ máy phải được thực hiện một cách chặt chẽ, thận trọng.

Tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức luôn phải được coi là tiêu chuẩn hàng đầu. Nhưng bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về chuyên môn và kỹ năng mềm cũng ngày càng quan trọng. Suy cho cùng, con người có năng lực toàn diện luôn cần thiết cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Không thể phủ nhận rằng về các phương diện này, đa số các nước trong khu vực và các nước tiền tiến có quan hệ đối tác với Việt Nam đã đi trước và có những bước tiến dài. Bằng chứng là sự xuất hiện thường xuyên tại các sự kiện chính trị, kinh tế quốc tế của các nhân tố gây ấn tượng mạnh về phong thái lịch lãm và khả năng làm chủ không gian giao tiếp, không chỉ ở góc độ ngoại giao mà còn cả ở góc độ chuyên môn, kỹ thuật.

Trong thời gian qua, việc đổi mới công tác cán bộ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và mang ý nghĩa sống còn đối với toàn bộ hệ thống.

Mặc dù nhiều chủ trương đúng đắn đã được đề ra và được dốc sức thực hiện, các hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức cán bộ vẫn làm đau đầu những người có trách nhiệm; nạn bè phái, ưu ái người thân, chạy chức, chạy quyền vẫn hoành hành; không ít cán bộ được bổ nhiệm vào các vị trí then chốt tỏ ra kém năng lực, chỉ góp phần làm tăng sức ì và sự trì trệ của bộ máy.

Trong bối cảnh đó, hình ảnh một quan chức cấp bộ trưởng xuất hiện tại một diễn đàn mang tính chất tâm điểm trong đời sống chính trị quốc tế trong tư thế tự tin, đĩnh đạc, thoả mái thật sự có ý nghĩa đặc biệt tích cực.

Đó có thể được coi là minh chứng thuyết phục về hiệu quả của những biện pháp cải cách quyết liệt trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, từ đó cho phép có cái nhìn lạc quan về tương lai của đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang