Hướng đến bảo hiểm nông nghiệp để bù đắp thiệt hại cho nông dân

Thứ Hai, 25/10/2021 14:57

|

(CAO) Việc hướng đến bù đắp thiệt hại của các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp bằng bảo hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội, để người nông dân yên tâm, có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Cho ý kiến về dự luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ sáng nay (25/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất lớn. Do vậy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bảo hiểm sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận

Nhìn nhận bảo hiểm là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật phải đáp ứng yêu cầu này. Với dự luật đang trình, ông Huệ bày tỏ: “Cá nhân tôi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khá an tâm về dự luật này”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, cơ quan trình cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo Luật.

Cụ thể, cần tiếp tục rà soát các quy định về lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm để bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm kể cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô…

Với bảo hiểm phi nhân thọ, ông Huệ lưu ý cần hết sức quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp.

“Đặc thù nước ta bị ảnh hưởng rất nặng nề của thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh khiến lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp bị thiệt hại rất lớn, nhưng hiện nay mới chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động trợ giúp, thiện nguyện của xã hội, còn việc bù đắp thiệt hại qua bảo hiểm còn rất ít, thậm chí bảo hiểm ngư nghiệp, lâm nghiệp hiện chưa có, bảo hiểm cây trồng vật nuôi cũng mới đang thí điểm” – Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Do đó, lãnh đạo Quốc hội khuyến cáo, để tính toán được phí bảo hiểm trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp là rất khó nhưng là việc không thể không làm.

“Về lâu dài, phải hướng đến việc bù đắp thiệt hại của các lĩnh vực này bằng bảo hiểm để người nông dân yên tâm hơn, có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Đề cập đến bảo hiểm vi mô, ông Huệ đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu Chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa lĩnh vực này trong dự án luật.

“Bảo hiểm vi mô đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người yếu thế thì rất tốt nên cần tổng kết, đánh giá cả việc thực hiện hình thức bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội thực hiện” – Chủ tịch Quốc hội bình luận.

Ông cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Hiện vấn đề xử lý các tranh chấp trong hợp đồng bảo hiểm cũng đã được Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không còn cơ chế trọng tài về bảo hiểm như dự thảo lúc đầu. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, hợp đồng bảo hiểm cần phù hợp với kinh doanh bảo hiểm tới đây trên môi trường điện tử, liên quan đến các vấn đề số hóa, chữ kỹ điện tử, hồ sơ điện tử…

Bình luận (0)

Lên đầu trang