Đây là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận hôm nay (24/10) của Quốc hội.
Nhận định dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xét xử bình thường của ngành tòa án, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng việc tiến hành phiên toà trực tuyến có thể coi như đòn bẩy thúc đẩy công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… cho cả đương sự lẫn bộ máy tư pháp.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận
“Hải Phòng đã đầu tư trang thiết bị, kết quả thực nghiệm xét xử trực tuyến rất tốt. Đề nghị chọn Hải Phòng làm thí điểm sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua” - ông Tân mạnh dạn đề nghị.
Chung quan điểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nhận xét, phiên toà trực tuyến là rất cần thiết, vừa góp phần khắc phục tình trạng án tồn đọng, vừa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi chí xã hội và phù hợp với xu hướng quốc tế.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần có sự nghiên cứu, đánh giá cụ thể” – bà Hạnh thận trọng, đồng thời tán thành với ý kiến Uỷ ban Tư pháp là trước hết giao các cấp toà thực hiện thí điểm đối với một số loại án, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm trên tất cả mọi mặt trước khi triển khai nhân rộng.
Từ góc nhìn của một luật sư, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng việc tổ chức phiên toà trực tuyến sẽ bảo đảm an toàn cho công tác xét xử và bảo đảm các thời hạn không bị trễ.
Dù vậy, theo ông Nghĩa, toà án điện tử đòi hỏi phải có một hệ thống đáp ứng các điều kiện như hạ tầng, công nghệ số hoá toàn bộ hồ sơ, chứng cứ; đòi hỏi hệ thống cho người ta tương tác và giao dịch với nhau trực tuyến…
Đặc biệt, để có một phiên toà trực tuyến hình sự, trước đó phải có điều tra, khởi tố…, vậy thì làm sao làm sao có thể tiếp cận hồ sơ trực tuyến?
“Cái này đòi hỏi nhiều yếu tố, đòi hỏi hạ tầng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng để không vi phạm pháp luật tố tụng, bảo đảm được việc chúng ta mong muốn là bảo đảm được quyền con người, quyền công dân” – đại biểu Nghĩa lưu ý.
Chánh án toà án nhân tối cao Nguyễn Hoà Bình giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận
Vẫn theo đại biểu của TPHCM, tuy phiên toà trực tuyến là giải pháp tình thế trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng thực ra đây là một đề án phải được chuẩn bị chu đáo.
“Việc tổ chức trực tuyến như thế thì cái gì ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, quyền tố tụng của các đương sự. Làm sao để phiên toà diễn ra một cách công bằng, hợp lý, các hồ sơ được lưu trữ thế nào, sự tương tác qua lại thế nào…” – đại biểu Nghĩa nêu vấn đề. Ông yêu cầu Nghị quyết giao cho Toà án và các cơ quan hữu quan xây dựng đề án, trong đó có sự tham gia của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
“Vì tất cả các phiên toà đều không thể thiếu luật sư- một thành tố của tố tụng” – Luật sư Nghĩa lý giải.
Chưa hẳn tán thành với các ưu điểm của việc tổ chức phiên toà trực tuyến, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phân tích: “Một trong những nguyên tắc tố tụng cơ bản là tranh tụng. Tranh tụng không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng”.
Vì lẽ này, ông Hiển nhận định, nếu so sánh giữa xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến thì rõ ràng xét xử trực tuyến có nhiều bất lợi hơn so với xét xử trực tiếp. Hai khía cạnh bất lợi được đại biểu Hiển chỉ ra thể hiện ở bảo đảm quyền đầy đủ của các bên tham gia tố tụng và bảo đảm sự tiếp cận, nhận định toàn diện, đầy đủ các tình tiết của thẩm phán, hội thẩm tham gia HĐXX.
Từ đánh giá trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội yêu cầu dự thảo Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp. Đồng thời, phải quy định rõ điều kiện phải có sự đồng ý của các bên tham gia vào tổ chức phiên toà ngay trong nghị quyết chứ không phải quy định tại thông tư hướng dẫn thi hành.
Giải trình sau đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, phiên toà trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn về lâu về dài. Theo ông Bình, tới đây, nếu được Quốc hội chấp thuận cho tiến hành thì trong báo cáo của ngành Toà án về công tác hàng năm sẽ có nội dung về thực hiện phiên toà trực tuyến; đánh giá thận trọng mặt được và chưa được để có đề nghị phù hợp.
“Khi lựa chọn các vụ án để xét xử trực tuyến, trên thế giới tiếp cận ở góc độ nghĩa vụ chứng minh đơn giản, ví dụ vụ án giết người phức tạp, nhưng chứng cứ rõ ràng thì vẫn có thể xét xử trực tuyến” – Chánh án toà tối cao thông tin, còn hiện tại, dự thảo Nghị quyết chỉ quy định TAND tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
(CAO) Thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phản ánh, lâu nay công tác thi đua, khen thưởng mới tập trung “khen thưởng” mà chưa chú trọng “thi đua”.