Tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu

Thứ Bảy, 23/10/2021 15:38

|

(CAO) Uỷ ban Tư pháp nhận định vậy khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021.

Biện pháp phòng ngừa ở một số nơi còn mang tính hình thức

Báo cáo kết quả thẩm tra trước Quốc hội chiều nay (23/10), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, công tác PCTN năm qua tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực.

Đánh giá về việc triển khai bác biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bà Nga nhìn nhận, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục được tăng cường. Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung; việc thực hiện quy tắc ứng xử, chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn tiếp tục được quan tâm…

Quốc hội làm việc tại hội trường

Dù vậy, do vẫn còn những hạn chế nên một số biện pháp phòng ngừa ở một số nơi chỉ mang tính hình thức. Chỉ ra những tồn tại cụ thể, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động trên một số lĩnh vực còn hạn chế.

Dẫn số liệu PAPI 2020, bà Nga cho biết, so với năm 2019, việc công khai, minh bạch trong việc ra quyết định của 11 tỉnh sụt giảm ở cả bốn chỉ số thành phần, gồm: tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, minh bạch ngân sách cấp xã và công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất.

Sóc Trăng và Bình Dương có mức giảm sút lớn nhất qua hai năm.

Chưa hết, từ phản ánh của dư luận, cử tri, Uỷ ban Tư pháp nhìn nhận còn có tình trạng công khai thông tin không đầy đủ, đồng bộ hoặc không công khai, công khai trong phạm vi hẹp với lý do “bí mật công tác” hoặc “quy chế phát ngôn” trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là ở các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, tài chính, công tác cán bộ…

Tương tự, việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa đạt yêu cầu. Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn có trường hợp chưa bảo đảm; một số danh mục, quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chưa được ban hành kịp thời; tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị…

Đáng lưu ý, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng “kẽ hở” về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhằm mục đích vụ lợi; hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… diễn ra đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Theo SIPAS 2020, tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu xảy ra ở 57/63 tỉnh; 48/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí (tăng 02 tỉnh so với năm 2019). Tỷ lệ người dân chỉ phải đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ đạt 29,69%, phải đi lại tới hai lần là 55,71%, phải đi lại tới ba lần là 9,64%, đi lại bốn lần là 4,41%....

Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp

Khẳng định công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, Uỷ ban Tư pháp phản ánh, qua công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật đối với nhiều Đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo kết quả thẩm tra

Cơ quan này cũng chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng. Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can); kết luận điều tra đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can.

Chất lượng công tác điều tra, xử lý được nâng lên, đã khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang…

Dù vậy, Uỷ ban Tư pháp lưu ý có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Vẫn như mọi năm, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ tiếp tục bị đánh giá là khâu yếu. Như Hà Nội, từ năm 2009 đến tháng 6/2020, qua công tác tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào.

Uỷ ban Tư pháp cũng nhận xét chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.

Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp. Báo cáo của Chính phủ về kết quả công tác thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng nêu, tổng số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng, đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng và số tiền thu được chỉ đạt trên 4 nghìn tỷ đồng.

Để có cái nhìn đầy đủ hơn, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.

Đề cập đến việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN năm 2018, Uỷ ban Tư pháp yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thành Đề án này để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của luật, đồng thời bảo đảm hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Phải trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam chiếu quá nhiều phim nước ngoài?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang