Nguyễn Văn Thạnh - một cuộc đời nghiệt ngã và phi thường

Thứ Bảy, 23/10/2021 17:03

|

(CATP) Nguyễn Văn Thạnh, thương binh hạng đặc biệt 1/4, mất sức đến 95%, chỉ còn lại 5% sức khỏe, vừa ra đi ở tuổi mà một doanh nhân thành đạt như anh là còn rất sung sức, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng bà con, thân hữu, đồng đội Trung đoàn 812 Anh hùng, Sư đoàn 309 Anh hùng một thời ngang dọc trên chiến trường K (Campuchia).

1. Tôi may mắn cùng Trung đoàn với Nguyễn Văn Thạnh trong những năm cầm súng trên chiến trường K - một chiến trường dày đặc mìn, đủ các loại mìn hiện đại, có sức công phá tàn ác nhất mà con người có thể nghĩ ra, mà anh là nạn nhân của mìn khi bị lấy mất đôi chân. Vậy mà bạn đã sống, chiến đấu như từng chiến đấu với bọn Pol Pot với khẩu đại liên M60 huyền thoại.

Nhắc đến khẩu đại liên M60 mà Thạnh là xạ thủ của Đại đội 3, anh em Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 812 còn nhớ cuộc hành quân chưa từng gian khổ hơn vào khoảng tháng 6-1979, truy quét bọn tàn quân Pol Pot từ huyện Monn (Battambang) về hướng Preaek Preah, gần Biển Hồ. Đó là thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa ở K. Khi đi, gần như những cánh đồng còn khô cạn nước nhưng qua hơn 1 tháng hành quân, mùa nước nổi lên cao tự khi nào và hết sức bất ngờ với những người lính chưa quen địa hình ở vùng đất này.

Nguyễn Văn Thạnh và các đồng đội.

Thế là cả đội hình tiểu đoàn "chìm" trong nước, phải lội trong nước, nhiều lúc nước sâu đến ngang ngực. Vậy mà cả tiểu đoàn vẫn hành quân, tìm cách thoát ra họng nước của Biển Hồ, anh em phải nấu cơm trên những ngọn cây còn chưa kịp ngập. Đến ngày thứ 3 lội nước, ngâm mình trong nước, Nguyễn Văn Thạnh vác khẩu đại liên M60, tách khỏi đội hình đi tìm đường sống. Quá may mắn, anh đã "bơi" đến một phum có đồng bào Khmer sinh sống và bằng những tiếng Miên mới học được lõm bõm, cộng với "ngôn ngữ của đôi tay", anh đã huy động nhiều ghe thuyền của dân đưa cả tiểu đoàn thoát khỏi đầm lầy Preaek Preah. Đó là một cuộc hành quân vô tiền khoáng hậu của Tiểu đoàn 1, một cuộc giải cứu cả tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 812, mà sau này anh em đồng đội ngồi ôn lại những kỷ niệm chiến trường, anh Nguyễn Hữu Bằng, Đại đội trưởng Đại đội 3 (đang sống ở Bắc Bình, Bình Thuận) nói rằng: "Thằng Thạnh xứng đáng được huân chương"...

Vậy mà khi đơn vị về Pailin (khi đó là một huyện của tỉnh Batttambang), Thạnh dính mìn KP2. Gần 5 năm, từ trạm xá Trung đoàn, đến Sư đoàn, Đội Điều trị 7, Bệnh xá Mặt trận 479, rồi Bệnh viện 7A... với biết bao lần cưa xẻ, xẻ cưa, để cuối cũng anh mất cả hai chân. Nghiệt ngã hơn, cả hai chân đều phải tháo khớp đến tận háng. Có nghĩa là mọi chân giả đều bất lực với loại thương tật đặc biệt này. Ít ai có thể sống sót với tỷ lệ thương tật ấy. Sau này, trong nhiều lần tâm sự, khi ở Trạm xá Mặt trận 479, thấy mình thương tật quá nặng, đặc biệt những cuộc phẫu thuật đau xé tâm can, anh không muốn là gánh nặng cho gia đình, xã hội, tư tưởng bi quan nhiều lần xâm chiếm suy nghĩ anh, Thạnh bắt đầu "để dành" thuốc ngủ để đỡ bị những cơn đớn đau giằng xé.

Ở Nghĩa trang Trường Sơn

2. Bức ảnh bạn đồng đội chụp Thạnh lúc ở một trại an dưỡng thương binh nặng ở Củ Chi năm anh 25 tuổi, khắc họa được cả hoàn cảnh bi đát của anh khi đó. 25 tuổi, tuổi thanh xuân phơi phới, mất hai chân tới háng, gương mặt ngơ ngác trước cuộc đời, tương lai mù mịt, khi mà gia đình anh ở Nha Trang đông anh em, lại rất nghèo. Chẳng lẽ anh trở về để rồi thành gánh nặng của gia đình, xã hội? Chẳng lẽ suốt cuôc đời còn lại sống trong trại thương binh nặng để Nhà nước nuôi? Không, anh tìm đường đi khi mà không có đôi chân để dò dẫm bước đi. Trên chiếc xe lăn anh đi tìm tương lai.

Tương lai với người thương binh chỉ còn 5% sức khỏe là mịt mù. Anh sống lây lất bằng nhiều nghề để nuôi chính bản thân cùng những đồng đội đồng cảnh ngộ. Trời thương (hay duyên số) anh gặp được một người phụ nữ dịu dàng, tần tảo (sau này là vợ anh), hai vợ chồng vất vả trong cuộc mưu sinh gian khổ. Đứa con đầu tiên ra đời trong nghèo khó như vậy nhưng hạnh phúc tràn ngập trong căn lều che tạm bên ngoài trại thương binh. Anh Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy bây giờ, lúc đó là cán bộ quận Thủ Đức (cũ) - một người bạn thủy chung với Thạnh, luôn bên cạnh vợ chồng người thương binh mà anh quý mến, hẳn còn nhớ căn lều của cặp vợ chồng huyền thoại "Thạnh - Oanh".

Rồi chính chú Tư Cang - tức ông Huỳnh Văn Cang, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, người từng là thư ký của ông Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (sau này là Thủ tướng Chính phủ), giúp anh một căn nhà nhỏ theo diện chính sách mà anh xứng đáng được nhận. Từ đó, chỉ bằng cái đầu và hai cánh tay, trên chiếc xe lăn, anh "lăn" trên thương trường để tạo lập nên một doanh nghiệp mà nói đến rất nhiều người biết. Một doanh nghiệp mà cả giám đốc và phó giám đốc cộng lại chỉ có... 1 chân, vì anh giám đốc cũng là một thương binh nặng thời chống Mỹ, chỉ còn 1 chân. Một doanh nghiệp đặc biệt, tạo công ăn việc làm cho hơn 5.500 con người, trong đó có rất nhiều thương binh.

Không chỉ vậy, doanh nhân Nguyễn Văn Thạnh còn dám đột phá khi anh dám lao vào một ngành kinh doanh mới mẻ khi ấy - logistics, với một đội xe vận tải phục vụ công nghiệp nặng, kể cả những phương tiện cơ giới logistics hiện đại mà đến những doanh nghiệp như Holcim (khi ấy là của Thụy Sỹ) cũng hết sức tín nhiệm. Anh vẫn còn những giấc mơ dang dở với ngành logistics.

Nguyễn Văn Thạnh cùng đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường K về quê

3. Từ thương binh chỉ còn 5% sức khỏe, trở thành một doanh nhân, với sự lao động bền bỉ vượt 100% sức và lực của chính mình, để thành công, nhưng Thạnh vẫn là một người lính của Trung đoàn 812 anh hùng. Đồng tiền làm ra, anh thường san sẻ cho đồng đội thương binh khó khăn ở mọi miền đất nước. Những lần bốc hài cốt liệt sĩ ở nhiều nghĩa trang, Thạnh đều có mặt để cùng anh em đưa đồng đội về quê. Nếu kẹt công việc, anh đều đóng góp nhiều nhất. Anh cũng là người tìm kiếm những chiếc xe lăn, xe ba bánh tốt nhất gửi cho đồng đội để đi lại hoặc làm phương tiện mưu sinh; hoặc để giúp cho đồng đội có nơi ăn chốn ở đàng hoàng.

Những lần họp mặt cựu chiến binh, những cuộc hành hương trở lại chiến trường xưa năm nào ở Đồn 8 (biên giới Đắk Nông - Campuchia); trở lại Pailin, Battambang, Xiêm Riệp (Campuchia)... anh đều đứng ra lo cho anh em đồng đội để có những chuyến đi trong tình cảm đồng đội yêu thương như thuở nào còn hành quân nơi chiến trận. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, cách nay mấy ngày, anh cũng nhờ bạn bè chuyển tiền cho các đồng đội khó khăn ở ngoài Bắc, mà khi biết tin này nhiều đồng đội chúng tôi đã bật khóc...

Không chỉ lo cho anh em đồng đội, anh và doanh nghiệp của anh còn hào hiệp trong nhiều công tác xã hội mà không bao giờ anh muốn đưa lên mặt báo. Tôi biết nhiều khoản chi của cá nhân anh để làm từ thiện cho bạn bè, đồng đội, cho xã hội mà bạn bè rất ít người biết. Anh cứ lẳng lặng cho đi. Với Báo Công an TPHCM cũng vậy, sau khi anh mất tôi mới biết trong mùa dịch này, dù đang lâm trọng bệnh, anh đã đóng góp mấy chục tấn gạo cho người nghèo, cùng nhiều trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch. Còn trước đó, với Báo Công An TPHCM, cứ mỗi lần báo cần là anh có mặt chỉ với yêu cầu duy nhất là không đưa gì lên mặt báo. Tính Thạnh là vậy, anh thường nói rằng cứ cho đi, đừng nói, vì những gì mình làm được là rất nhỏ.

4. Hôm nay (23-10), người thân, đồng đội đưa bạn về nơi an nghỉ cuối cùng. Bạn có một cuộc đời bất hạnh, một số phận kỳ lạ, một thương binh nặng điển hình vượt lên tất cả. Nhưng cũng chính cái số phận nghiệt ngã đó đã làm nên nột doanh nhân khác biệt Nguyễn Văn Thạnh.

Một thương binh "hết số" như bạn, nếu buông xuôi, như bạn nói, chỉ có biết ngồi xe lăn bán vé số thôi, vậy mà bạn vươn lên, làm chủ một doanh nghiệp nổi tiếng như vậy, thì những người như tôi, còn nguyên hai chân cũng cảm thấy thua bạn nhiều lần. Bạn cũng đã nhiều lần "trốn" anh em báo chí muốn viết về bạn, kể cả những lần được tuyên dương này nọ, bạn chỉ cười và... đi trốn thôi!

Trong những đồng đội cùng chiến đấu, tôi thường cùng Thạnh lang thang khắp miền đất nước. Có lần nổi hứng hai đứa chạy một vòng Tây nguyên rồi về một chỗ nào đó gần bìa rừng ở Đắk Nông ngồi uống bia và chỉ để ngắm rừng. Hình như ở đó bạn thấy thấp thoáng bóng dáng núi rừng Pailin (Campuchia) năm nào. Hoặc lên tận Hoàng Xu Phì, leo lên đèo Mã Phì Lèng, đến tận cột cờ Lũng Cú cũng chỉ để ngắm rừng.

Mùa thu. Đang mùa thu đó Thạnh ơi. Mùa này anh em mình thường về Nha Trang để cùng đồng đội tổ chức kỷ niệm ngày anh em mình lên đường nhập ngũ (30-10-1977, ngày mà bạn lấy làm ngày sinh nhật của mình). Và bên bờ sông Cái quê hương, bạn chỉ muốn nghe bài hát "Nha Trang mùa thu lại về..." và ngắm con sông mà thuở bé theo mẹ từ Quảng Nam vào bạn đã đằm mình dưới đó.

Vậy là mùa thu năm tới thiếu bạn mất rồi. Dòng sông Cái chắc buồn lắm đó Thạnh ơi. Mình sẽ có mặt để cùng anh em đồng đội Nha Trang nhìn dòng nước Sông Cái trôi ra biển như cuộc sống vô thường nhưng luôn biến động. Chẳng có gì mất đi cả, phải không Thạnh. Bạn đã sống, chiến đấu dũng cảm trên chiến trường; thông minh, tài giỏi trong kinh doanh. Bạn đã làm được tất cả...

Ông Nguyễn Văn Thạnh, sinh năm 1960, đã từ trần lúc 9 giờ 20 ngày 21-10-2021 (nhằm ngày 16-9 năm Tân Sửu), hưởng thọ 62 tuổi. Linh cữu được quàn tại: 10 Đại Lộ 3, phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức, TPHCM. Lễ động quan lúc 4 giờ 30 ngày 23-10-2021 tại Thánh Đường Giáo xứ Tân Đức, sau đó linh cữu được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, thành phố Thủ Đức.

Bình luận (0)

Lên đầu trang