Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, hôm nay (24-10), Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Như nhiều kỳ họp, hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng còn thấp tiếp tục là mối quan tâm của nhiều đại biểu.
Đại biểu Thạch Phước Bình (ảnh tư liệu)
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế của nhà nước được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với bị can, bị cáo, nhằm đảm bảo thi hành phần dân sự trong bản án hình sự.
Tuy nhiên, từ thực tiễn tố tụng và thi hành các bản án thời gian qua, đại biểu Bình nhìn nhận, pháp luật về kê biên tài sản, bảo đảm thi hành án đang bộc lộ sự bất cập, khiến cho việc thu hồi tài sản của nhà nước do người phạm tội gây ra gặp rất nhiều khó khăn.
Báo cáo trước Quốc hội kết quả công tác thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tổng số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc.
Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng, đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng và số tiền thu được chỉ đạt trên 4 nghìn tỷ đồng.
“Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là các vụ đại án đạt thấp” - ông Bình nói.
Nhận định rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế hàng ngàn tỉ bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không được thu hồi bởi tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình, đại biểu Bình lưu ý, sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn tố tụng là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp.
Vì lẽ này, đại biểu của Trà Vinh đề nghị xem xét, hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thông qua thủ tục kết tội, có nghĩa việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án có thể được thực hiện kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử.
Vẫn theo ông Bình, việc kê biên tài sản không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng, kinh tế.
Cho rằng thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhận xét, Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là cơ sở chính trị quan trọng, thay đổi rất lớn nhận thức đối với việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Các cơ quan tiền tố tụng, cơ quan tố tụng cần phải vào cuộc và kịp thời áp dụng biện pháp cần thiết, như thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Hồi âm các ý kiến của đại biểu, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, thực tế những năm gần đây công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận, so với yêu cầu thì vẫn chưa thể hài lòng, “vì rõ ràng số mất với số lấy lại vẫn chưa tương xứng”.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí giải trình tại phiên họp
Vấn đề đặt ra, theo ông Trí, là kể cả có quyết tâm kê biên, rồi thu hồi thì cũng phải theo luật hiện hành. “Không phải lúc nào chúng ta cũng niêm phong, cũng kê biên được, khi mà chúng ta còn phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu chúng ta kê biên, niêm phong không đúng thì người ta có quyền khởi kiện” - ông Trí nêu khó khăn.
Do đó, lãnh đạo ngành Kiểm sát cho rằng, với hệ thống pháp luật hiện nay thì cần rà soát để tiếp tục hoàn chỉnh và hoàn thiện.
Nêu giải pháp tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản sản tham nhũng, kinh tế, Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét xây dựng luật đăng ký tài sản.
“Chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng tài sản đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm, sở hữu mà có thể là hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không, thì còn bỏ một khoảng trống rất lớn ở ngoài xã hội” – ông Trí phân thích. Theo ông, nếu chưa có luật đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng được các đối tượng che ngoài xã hội cũng không “đụng vào được”.
“Dù biết là tài sản bất minh thì cũng không thu hồi được. Nên không có luật thì khoảng trống đó vẫn còn là một cái hết sức khó khăn” - Viện trưởng nhấn mạnh.
Giải pháp tiếp theo, người đứng đầu ngành Kiểm sát kiến nghị Chính phủ nên có lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ ngày càng tốt nhất. Ông Lê Minh Trí nhấn mạnh, việc này được đẩy mạnh sẽ góp phần thu hồi tài sản và minh bạch tài sản.
“Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được. Còn nếu không thì vừa làm, vừa lo, không thu thì không được, nhưng thu không đúng luật người ta kiện” - ông Trí bình luận và tái khẳng định, việc này phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật.
(CAO) Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình giải trình sau các thắc mắc của đại biểu về việc tổ chức phiên toà trực tuyến.