Thi đua, khen thưởng mới tập trung ‘khen thưởng’ mà chưa chú trọng ‘thi đua’

Thứ Bảy, 23/10/2021 21:35

|

(CAO) Thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phản ánh, lâu nay công tác thi đua, khen thưởng mới tập trung “khen thưởng” mà chưa chú trọng “thi đua”.

Tránh tình trạng “luân phiên nhận giấy khen”

Thảo luận tại tổ trong phiên họp hôm nay (23/10), đa số các đại biểu đều tán thành phải sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng. Đại biểu Vũ Đại Thắng (Quảng Bình) nhìn nhận, Luật Thi đua khen thưởng đã qua 3 lần sửa đổi, lần gần nhất đã cách đây 8 năm, vì thế việc sửa đổi, bổ sung là điều cần thiết để tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội.

Ông Thắng kỳ vọng việc sửa đổi lần này sẽ tạo được cơ chế khen thưởng phù hợp, chú trọng tới đối tượng là những người dân lao động bình thường, các doanh nhân, công nhân…

Đại biểu Vũ Đại Thắng nêu ý kiến

“Nên cụ thể hóa các hình thức thi đua, khen thưởng, tập trung cho các đối tượng trực tiếp, các tập thể nhỏ, chú trọng các cá nhân, thành phần ngoài công lập…, vì nhiều năm qua việc khen thưởng chỉ chú trọng vào hệ thống chính trị, vào hệ thống công lập” – ông Thắng nêu quan điểm.

Chung góc nhìn, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị dự luật cần có sự đổi mới để khen thưởng đúng người, tránh tình trạng cuối năm, có đơn vị hành chính cứ luân phiên nhau nhận giấy khen, bằng khen nên không khuyến khích được cá nhân tích cực, cống hiến cho công việc.

Để Luật hoá điều này, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) yêu cầu bổ sung nguyên tắc khen thưởng là: “Đúng người, đúng việc, ưu tiên người lao động trực tiếp”. Theo ông Hùng, như vậy sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay trong công tác thi đua, khen thưởng là còn hạn chế đối với những người lao động trực tiếp.

Từ thực tiễn công tác thi đua khen thưởng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phản ánh, lâu nay công tác thi đua, khen thưởng mới tập trung “khen thưởng” mà chưa chú trọng “thi đua”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc góp ý cho dự luật

“Phải làm sao thi đua thực tế hơn, tránh hình thức, thấm sâu từng cơ quan đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Việc khen thưởng, theo ông, phải khắc phục hạn chế tính hình thức, chưa đi vào thực chất.

“Tôi nói thật là có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp. Có một số ngành tôi ký mỏi tay vì khen thưởng quá nhiều” – Chủ tịch nước thẳng thắn.

Vì lẽ trên, lãnh đạo Nhà nước góp ý phải làm sao để khen thưởng chặt chẽ, đúng quy định.

Chỉ ra khen thưởng có quyền lợi nhất định, Chủ tịch nước lưu ý cần có chế tài về trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong quá trình xét thi đua, khen thưởng.

“Ví dụ ông A bị thu hồi bằng khen, danh hiệu do bị khiếu nại được khen thưởng không chính đáng thì người trình phải chịu trách nhiệm rồi, nhưng người thẩm tra, thẩm định cũng phải chịu trách nhiệm” – ông Phúc chỉ ra.

Chủ tịch nước cũng cho biết, ông đã viết thư đề nghị mỗi chuyên viên Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phải xem xét chịu trách nhiệm với hồ sơ đề nghị khen thưởng, nhằm chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình khen thưởng.

“Phải đưa vào luật này trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong qúa trình trình hồ sơ chứ cứ đẩy lên trên, thậm chí lên tới Chủ tịch nước thì làm sao xem xét được hết hồ sơ” – Chủ tịch nước phân tích và khẳng định, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức rất lớn trong chống tham nhũng, tiêu cực khi xét hồ sơ khen thưởng.

Cần tiêu chuẩn riêng cho công an, quân đội

Đưa ra quan điểm về tiêu chuẩn thi đua khen thưởng, đại biểu Phan Văn Giang (Thái Nguyên) cho rằng lực lượng quân đội, công an, cảnh sát cơ động... có những đặc thù riêng về nghề nghiệp khi phải làm việc trong những tình huống, hoàn cảnh khó khăn bất ngờ, gian khó để bảo vệ Tổ quốc, an ninh trật tự, an toàn xã hội hay trong môi trường độc hại với nguy cơ, mức độ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng rất cao.

Đại biểu Phan Văn Giang thảo luận 

Do vậy, theo ông Giang, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần đưa ra những tiêu chuẩn thi đua khen thưởng riêng cho những đối tượng này.

Còn đại biểu Đặng Xuân Phong (Lào Cai) thì đề nghị cần nới lỏng tiêu chí nhà giáo ưu tú với những khu vực đặc biệt, như biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Trình Quốc hội dự luật trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, việc xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Dự Luật gồm 8 chương, 98 điều, trong đó các nội dung được sửa đổi bổ sung bao gồm: nội dung về thi đua, khen thưởng; quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang