Tổng Thư ký LHQ kêu gọi thúc đẩy ngoại giao trong giải quyết các xung đột

Thứ Bảy, 24/12/2022 20:24  | GIẢN THANH SƠN

|

(CAO) Tổng Thư ký LHQ António Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần chung tay tìm ra các giải pháp khả thi cho các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy nỗ lực ngoại giao trong giải quyết các cuộc xung đột…

Năm 2022 là một năm đặc biệt với rất nhiều thử thách. Thế giới đang đứng trước sự chia rẽ địa chính trị, khủng hoảng chi tiêu sinh hoạt, chi phí nợ tăng ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký LHQ António Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần chung tay tìm ra các giải pháp khả thi cho các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy nỗ lực ngoại giao trong giải quyết các cuộc xung đột…

 Tổng Thư ký LHQ António Guterres tại cuộc họp báo

Trước đó, trong cuộc họp báo cuối năm 2022 tại trụ sở LHQ ở New York, Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho rằng, các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục gặp khó khăn, tuy nhiên ông ghi nhận nhiều điểm sáng như việc cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi chuyển đổi từ than đá sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, lòng tin được khôi phục với việc COP27 đạt được thoả thuận thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hai. Trong bối cảnh này, Tổng Thư ký LHQ đề cập các thoả thuận đối tác chuyển đổi năng lượng của Indonesia, Nam Phi và Việt Nam là những thành tựu đáng ghi nhận.

Tổng Thư ký cho biết sẽ triệu tập Hội nghị cấp cao về Tham vọng khí hậu vào tháng 9/2023 bên cạnh các phiên thảo luận của các nhà lãnh đạo nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trao đổi với các ký giả, Tổng Thư ký LHQ cũng cho biết một số kế hoạch nhằm thúc đẩy các giải pháp thực tế cho xung đột tại Ukraine, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tổ LHQ, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, kêu gọi bảo đảm tài chính cho các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ và một số nội dung khác.

 Trao đổi với các nhà báo, Tổng Thư ký LHQ cho biết một số kế hoạch nhằm thúc đẩy các giải pháp thực tế cho xung đột tại Ukraine, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tổ LHQ, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, kêu gọi bảo đảm tài chính cho các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ...

Cũng tại LHQ, Hội đồng Bảo an đã tổ chức thảo luận mở về chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Định hướng mới cho cải tổ chủ nghĩa đa phương”, ông  António Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đều cho rằng chủ nghĩa đa phương ngày nay tiếp tục đối mặt với những thách thức phức tạp, từ chiến tranh, khủng bố, mất an ninh đến những khó khăn mới nổi do vũ khí tối tân, khủng hoảng khí hậu trong khi khung hợp tác toàn cầu không bắt kịp nhịp độ.

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký LHQ xem củng cố chủ nghĩa đa phương là ưu tiên cao nhất sẽ được ông thúc đẩy thông qua Chương trình nghị sự chung của chúng ta và các sáng kiến liên quan khác trong thời gian tới. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hợp tác chặt chẽ trong tìm kiếm giải pháp đa phương phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng bàn giao chức Chủ tịch ACW cho Đại sứ Brunei tại Mỹ. Nhiệm kỳ Chủ tịch ACW của Brunei sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 01/2023.

Tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đại diện các nước ASEAN phát biểu chung khẳng định ưu tiên, cam kết của ASEAN về tôn trọng và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn. ASEAN nhìn nhận sự cần thiết phải đổi mới chủ nghĩa đa phương để ứng phó với các thách thức ngày nay.

Đại sứ nhấn mạnh quan điểm chung của ASEAN cho rằng cải tổ chủ nghĩa đa phương phải đồng hành với cam kết theo đuổi cách tiếp cận đa phương, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, thúc đẩy lợi ích chung và tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng.

Hệ thống đa phương phải được cải tổ với các kết quả cụ thể trong bối cảnh hệ thống này hiện chưa theo kịp với những thách thức phức tạp của thế kỷ XXI. Theo đó, ASEAN ủng hộ cải tổ Hội đồng bảo an theo hướng phù hợp hơn, tăng cường tính đại diện, dân chủ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. Tiếng nói của các nước đang phát triển, các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, cần được lắng nghe hơn trong tiến trình ra quyết sách toàn cầu.

Đây là bài phát biểu chung đầu tiên của ASEAN tại HĐBA về chủ đề này, được thực hiện theo đề xuất của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng chủ trì Cuộc họp Uỷ ban ASEAN tại Washington (ACW) và buổi Ăn trưa làm việc giữa ACW với đại diện Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong thời gian này, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã chủ trì Cuộc họp Uỷ ban ASEAN tại Washington (ACW) và buổi Ăn trưa làm việc giữa ACW với đại diện Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ. Các hoạt động có sự tham dự của Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN, Điều phối viên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Kurt Campbell, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Melissa Brown cùng một số quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong khuôn khổ ACW, các nước ASEAN chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Chủ tịch ACW từ tháng 09 đến tháng 12/2022; hài lòng ghi nhận trong nhiệm kỳ của Việt Nam, Uỷ ban tiếp tục có nhiều hoạt động phong phú và thiết thực, đóng góp hữu hiệu cho quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ và nâng cao hình ảnh, uy tín của ASEAN tại Mỹ.

ACW nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi với chính quyền, Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, đồng thời xem xét tổ chức các hoạt động chung sang các bang, địa phương khác của Mỹ để quảng bá về ASEAN.

Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đã bàn giao chức Chủ tịch ACW cho Đại sứ Brunei tại Mỹ. Nhiệm kỳ Chủ tịch ACW của Brunei sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 01/2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang