TPHCM: 4.000 tỷ đồng lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp lần 2

Thứ Ba, 08/12/2020 16:19

|

(CAO) Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 23, HĐND TPHCM Khóa IX, sáng 8/12, dưới dự điều hành của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đã diễn ra phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.

Xem xét hỗ trợ tín dụng lãi suất 0% cho các DN khó khăn

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Phạm Quốc Bảo (huyện Cần Giờ) cho rằng: Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang lan rộng trên toàn thế giới với những diễn biến phức tạp khó lường, tác động mạnh đến nền kinh tế TP làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Chủ tịch UBND TP cho biết, TP có những chính sách, định hướng và giải pháp trọng tâm đột phá năm 2021 để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tập trung tái hoạt động sản xuất phát triển kinh tế?

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP khoá IX.

Trả lời nội dung ĐB đặt ra, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, TPHCM xác định từ đây đến 2021 phải xem công tác kiểm soát dịch bệnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, gắn với nhiệm vụ kép với các giải pháp cụ thể.

Đó là cả hệ thống chính trị tiếp tục tập trung tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại, nhất là tại các trường học, bệnh viện. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu trong phòng chống dịch. Vận động người dân, gia đình cùng chính quyền tham gia phòng, chống dịch quyết liệt. Kiên trì nguyên tắc chống dịch là chủ động phòng ngừa sớm, phát hiện kịp thời, truy vết, cách ly triệt để, điều trị hiệu quả và phương châm 5 tại chỗ…

Về phát triển kinh tế, năm 2021, TPHCM triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế như: Phát huy hiệu quả các hội đồng ngành kinh tế (nhà nước, nhà trường và DN) để tập trung phát triển các ngành sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao, đóng góp cơ cấu GRDP của TP. Tổ chức diễn đàn kinh tế 2021 phù hợp tình hình dịch bệnh. Triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai có hiệu quả Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2020 - 2025.

Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa và coi trọng phát triển kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của các DN phân phối, DN logistics, DN sản xuất trong nước. Đẩy mạnh thương mại điện tử trên thiết bị di động đáp ứng nhu cầu mua sắm của cá nhân; tập trung phát triển nhanh loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc trưng và chủ lực của TP nhằm thu hút du khách đến TP, phát triển mạnh du lịch nội địa trong điều kiện du lịch quốc tế khó khăn.

Mặt khác, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tất cả các khâu từ quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư, góp phần hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là DN vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả gói hỗ trợ DN đợt 1, TP tiếp tục nghiên cứu triển khai gói hỗ trợ DN đợt 2, dự kiến hỗ trợ tín dụng lãi suất 0% cho các DN gặp khó khăn trong các nhóm ngành như: Dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; công nghiệp, dệt may, giày da, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng và DN có doanh thu sụt giảm lớn với tổng kinh phí dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ cho các ngành bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Đối với công tác hỗ trợ người dân, TP tiếp tục rà soát triển khai kịp thời việc hỗ trợ “không để ai bỏ lại phía sau”, nhất là người yếu thế, người lao động không có hợp đồng, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP khóa IX.

Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh

Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) đặt vấn đề: Theo nhận định của UBND TP, việc cải thiện môi trường đầu tư TP vẫn còn nhiều hạn chế như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) ngày càng giảm. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ người dân và DN vẫn còn chưa tốt. Năm 2021 được xác định là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Vậy TP có những giải pháp đột phá gì để đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nâng cao chỉ số CPI, cải thiện môi trường đầu tư đáp ứng tốt hơn nhu cầu của DN và người dân?

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Để cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM, trong giai đoạn 2016-2019, chỉ số PCI của TPHCM tăng điểm nhưng không nhiều, tăng 5,4 điểm trong vòng 4 năm. Nhưng sự thay đổi từ nhóm các tỉnh, thành chỉ số PCI từ nhóm khá thành nhóm tốt nên TP bị tụt hạng. Cụ thể, năm 2016 và 2017 hạng 8, 2018 hạng 10 và 2019 là hạng 14. Điều này cho thấy, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của TP là chưa đủ mạnh, chưa đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Do đó, TP rất thẳng thắn nhìn nhận hạn chế vấn đề này và quyết tâm khắc phục trong năm 2021. Để có kết quả tích cực, trong năm 2021, trước hết là xác định và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các sở, ngành TP trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN. “Nơi nào có DN phản ánh, nơi đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Cao nhất là cá nhân Chủ tịch UBND TP sẽ chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác cải thiện môi trường đầu tư” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Đồng thời, TPHCM duy trì và phát huy hơn nữa hiệu quả của Tổ công tác đầu tư trong giải quyết vướng mắc cho DN trong thời gian vừa qua. Xây dựng triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan phục vụ công tác đầu tư của các tổ chức, DN. Trong đó, đảm bảo yêu cầu có thời hạn đối với quy trình TTHC xử lý hồ sơ; xác định rõ tổ chức cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ; có sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức, DN; có sự giám sát của HĐND và MTTQ; có chế tài xử lý vi phạm.

Mặt khác, thực hiện các giải pháp mạnh mẽ cải thiện CPI, nhất là các chỉ tiêu thành phần còn hạn chế như chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền, khả năng tiếp cận đất đai, hiệu quả thực thi các cam kết pháp lý… Cùng với đó, thực hiện chương trình CCHC và nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh, đảm bảo thiết thực, đổi mới phương thức phục vụ chính quyền, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò của Hiệp hội DN trong liên kết phát triển, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động và góp ý xây dựng chủ trương chính sách mới, góp ý sửa đổi các chính sách cho phù hợp với thực tế, rút ngắn xử lý hồ sơ liên quan của nhà đầu tư, tạo điều kiện cho DN hoạt động phát triển. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, phát huy tối đa vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, báo chí, nhân dân, DN...

Bình luận (0)

Lên đầu trang