(CAO) Về đầu tư công, 9 tháng qua, TP chỉ giải ngân 16.000 tỷ đồng, hiện còn 63.000 tỷ đồng, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, số này giải ngân chậm nhất đến tháng 1/2025 phải xong.
Chiều 8/10, tiếp tục Hội nghị lần thứ 33 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, báo cáo về hoạt động Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, Trung tâm được thành lập được 8 tháng, đã triển khai phối hợp cùng các đơn vị thực hiện 3 nhóm công tác quan trọng như: công tác quản lý, vận hành các nền tảng số dùng chung của TP; đảm bảo hạ tầng dùng chung và công tác an toàn thông tin của TP; triển khai mới các nền tảng số dùng chung của TP.
Quang cảnh hội nghị
Theo đồng chí Võ Thị Trung Trinh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của TP tiếp tục duy trì, đảm bảo vận hành hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở theo Chiến lược quản trị dữ liệu của TP. Cùng với đó là nền tảng quản lý khu phố, ấp là nền tảng nhằm bổ sung, hoàn chỉnh mô hình chính quyền số tại TP đến cấp cơ sở quản lý đầy đủ các thông tin về tổ chức khu phố, ấp, ban quản trị của tất cả các khu phố, ấp trên địa bàn TP. Kết quả công dân số dự kiến đưa vào sử dụng trong quý I/2025.
Đồng chí Võ Thị Trung Trinh phát biểu tại hội nghị
Trong tháng 12/2024, Trung tâm chuyển đổi số đưa vào khai thác, sử dụng nền tảng số hóa dùng chung. Đây là một thành phần của mô hình chính quyền số cung cấp dịch vụ lưu trữ, quản lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu nền tảng dữ liệu dùng chung cho tất cả các hệ thống thông tin của TP với mục tiêu tạo và lưu trữ dữ liệu thống nhất, tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm, tiện lợi cho công tác số hóa tất cả quận, huyện, sở ngành. “Những nền tảng số dùng chung của TP là giải pháp quan trọng để thúc đẩy công tác chuyển đổi số của TP tập trung thống nhất và đồng bộ.”- đồng chí Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh.
Với nhiệm vụ và chức năng được giao ngay từ đầu thành lập, đồng chí Võ Thị Trung Trinh cho biết, Trung tâm chuyển đổi số đã phối hợp chặt chẽ cùng Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ nhằm cung cấp các sản phẩm cụ thể, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, tiến tới hoàn thiện mô hình xã hội số, đồng thời cung cấp các công cụ hỗ trợ cho công tác ra quyết định của các cấp lãnh đạo nhằm hoàn thiện mô hình chính quyền số tại TP, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 của TP.
5 nhóm giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
Kết luận phiên thảo luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi mong muốn Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM quan tâm lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2024.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, cần tập trung cao độ giải quyết các tồn đọng vướng mắc. Cụ thể, vướng mắc giữa các sở ngành, với các quận, huyện, TP Thủ Đức về đầu tư công rất lớn. Do vậy, đồng chí mong muốn Bí thư cấp ủy kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, rà soát để kịp thời thực hiện chỉ tiêu cải cách hành chính; tập trung cao độ giải ngân đầu tư công; Chỉ thị 12 của UBND TP về thúc đẩy tăng trưởng của năm 2024 đạt 7,5% và năm 2025 đạt từ 8 đến 8,5%.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị
Về đầu tư công, 9 tháng qua, TP chỉ giải ngân 16.000 tỷ đồng, hiện còn 63.000 tỷ đồng, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, số này giải ngân chậm nhất đến tháng 1/2025 phải xong. TP đã chia thành 5 nhóm để tập trung thực hiện. Trong đó, nhóm giải phóng mặt bằng, với 30.000 tỷ đồng, TP tập trung cho giải phóng mặt bằng rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh, Gò Vấp, với 12.976 tỷ đồng, dự án bờ Bắc kênh Đôi, Quận 8 với 5.092 tỷ đồng và 2 đoạn Vành đai 2, TP Thủ Đức, với 7.600 tỷ đồng và các dự án khác.
Với nhóm các dự án khởi công mới, với 8.000 tỷ đồng, trong đó, có dự án lớn như thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ TP, với 1.200 tỷ đồng. Nhóm các dự án đang thực hiện, với 9.600 tỷ đồng.
Đối với nhóm vướng mắc thủ tục, dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng hiện chưa giải ngân 6.800 tỷ đồng, TP sẽ tính toán đến giải pháp chuyển để sử dụng cho các dự án khác. Với gần 4.000 tỷ đồng giải ngân cho dự án Đường sắt đô thị số 1, hiện TP đã làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, phấn đấu sẽ giải ngân 3.800 tỷ đồng. Đối với nhóm các dự án vướng mắc thủ tục, có 57 dự án cần được tháo gỡ.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi mong muốn Bí thư và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện chỉ đạo rà soát, đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.