TPHCM: Chờ hướng dẫn của Bộ Y tế về phân phối thuốc trị Covid-19

Thứ Hai, 28/02/2022 20:06

|

(CAO) Chiều 28/2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua.

Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Theo báo cáo, tính đến 18 giờ ngày 27/02/2022, TP có 533.278 trường hợp mắc bệnh phát hiện được Bộ Y tế công bố.

Hiện TP đang điều trị cho 3.557 bệnh nhân (BN), trong đó: có 306 trẻ em dưới 16 tuổi, 47 BN nặng đang thở máy, 07 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 27/02: có 477 BN nhập viện, 215 BN xuất viện, 02 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.430).

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến ngày ngày 27/02/2022, đã có 8.115.495 mũi 1, 7.335.221 mũi 2, 671.923 mũi bổ sung và 4.052.291 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TPHCM.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo

 F0 và F1 là giáo viên và học sinh đang tăng

Tại họp báo, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo) Trịnh Duy Trọng thông tin, hiện tại, số F0 và F1 là giáo viên và học sinh trên địa bàn TPHCM đang tăng, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Cụ thể, về số ca dương tính là học sinh, ngày 21/2 TPHCM ghi nhận 285 ca; ngày 22/2 là 219 trường hợp; ngày 23/2 có 178 ca; ngày 24/2 phát hiện 185 trường hợp; số trường hợp ngày 25/2 là 216. Trước tình hình trên, ngành Giáo dục và Đào tạo TPHCM vẫn đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp.

Trong tuần qua, ngành giáo dục TP cũng đã thực hiện quy định mới về hướng dẫn xử lý các trường hợp F1 trong trường học. Theo đó, ở cấp mầm non, cả lớp sẽ nghỉ học nếu trong lớp xuất hiện ca dương tính.

Tại cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường hợp tiếp xúc gần (F1) sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà 05 ngày (đối với học sinh đã tiêm đủ liều vắc xin) hoặc 07 ngày (đối với học sinh chưa tiêm đủ liều vắc xin). Những trường hợp này sẽ quay lại cơ sở giáo dục khi nào có xét nghiệm “âm tính”. Quy định này thực hiện thống nhất ở tất cả các trường học, không phân chia theo khối lớp.

Tại họp báo, đại diện ngành Giáo dục và Đào tạo TP cũng mong muốn y tế địa phương (nơi cơ sở giáo dục trú đóng) có sự tăng cường phối hợp để nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1 tại trường học. Đồng thời, hy vọng các bậc phụ huynh cộng tác với nhà trường trong việc thực hiện những biện pháp đảm bảo sức khỏe cũng như đề ra phương pháp học tập phù hợp cho trẻ em, học sinh.

Đề nghị công nhận kết quả test nhanh tại nhà của học sinh làm cơ sở để đến trường

Liên quan đến giấy xác nhận âm tính cho học sinh là F1 đã hoàn thành việc cách ly, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho hay, theo hướng dẫn của ngành y tế, các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế, cơ sở y tế có nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm) sẽ là đơn vị cấp giấy xác nhận này.

“Đây sẽ là điều kiện tốt nhất, bởi lẽ, nhân viên y tế có chuyên môn, đảm bảo yêu cầu. Cùng với đó, việc công nhận này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho cho các em quay trở lại trường học trực tiếp”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Trọng, thực tế một số phụ huynh chưa có điều kiện, gặp khó khăn trong việc đưa con đến cơ sở y tế để xét nghiệm, không ít trạm y tế địa phương quá tải... Do vậy, lãnh đạo Sở Giáo dục và Sở Y tế đã thống nhất cũng như xin ý kiến UBND TP về việc triển khai việc hướng dẫn cho phụ huynh học sinh xét nghiệm COVID-19 cho con em tại nhà.

Cụ thể, ngành giáo dục cùng cơ quan y tế sẽ phối hợp, hướng dẫn các cơ sở giáo dục hướng dẫn phụ huynh thực hiện xét nghiệm. Qua đó, công nhận kết quả xét nghiệm tại nhà của học sinh, đảm bảo an toàn cho các em sau khi hoàn thành cách ly và đi học trực tiếp trở lại.

Theo đề xuất, những trường hợp học sinh là F1 đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, sau 5 ngày cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe có thể tự test nhanh tại nhà, nếu kết quả âm tính có thể quay lại trường học.

Sở GD-ĐT TP lưu ý, trên kết quả test nhanh, phụ huynh và học sinh phải ghi rõ ngày, giờ cụ thể thực hiện test, chụp hình gửi cho giáo viên chủ nhiệm và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính xác thực của kết quả test nhanh.

Còn đối tượng học sinh là F1 chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine (học sinh mầm non, tiểu học, học sinh trên 12 tuổi chống chỉ định vaccine Covid-19...), sau thời gian hoàn thành cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe trong 7 ngày, vào ngày thứ 7 nếu có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính tại nhà, đồng thời có sự cam kết tính xác thực của kết quả test từ phụ huynh, học sinh có thể được trở lại trường học trực tiếp.

Đối với việc xác nhận âm tính cho học sinh là F0 đang cách ly điều trị tại nhà, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai đề nghị, khi con em nhiễm COVID-19, phụ huynh phải báo ngay cho chính quyền địa phương (trạm y tế địa phương) để ghi nhận, theo dõi, giám sát việc xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế (ngày 1, ngày 5, ngày 7) và xác nhận hoàn thành thời gian cách ly. Sau khi có kết quả xét nghiệm "âm tính" và có giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, trẻ mới có thể trở lại trường học.

Liên quan đến số ca mắc COVID-19 là trẻ em, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, tại TPHCM từ ngày 13/2 – 26/2, có 505 ca trẻ từ 0 - 6 tuổi, 1.055 ca trẻ từ 7 - 11 tuổi, 567 ca trẻ từ 12 – 15 tuổi và 512 ca trẻ từ 16 – 18 tuổi.

Báo cáo tại 3 bệnh viện Nhi trên địa bàn TP cho thấy, tính đến 8 giờ sáng nay (28/2), có 197 trẻ nhập viện vì mắc COVID-19 và 519 ca được phát hiện qua khám sàng lọc (trong đó, 33 ca nhập viện, 9 ca phải hỗ trợ hô hấp).

Người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị COVID-19

Đối với việc phân phối thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có hoạt chất Molnupiravir, theo Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, hiện nay, việc này vẫn chưa phù hợp với Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Theo điều 3 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. COVID-19 thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, điều 48 của Luật trên cũng quy định, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.

“Trong 2 năm qua, chúng ta có rất nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị miễn phí. Vì vậy, hiện tại Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về việc mua bán, phân phối thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có hoạt chất Molnupiravir”, ông Hải cho biết.

Trong khi chờ Bộ Y tế trả lời, ông Phạm Đức Hải đề nghị, không phải ai là F0 cũng phải sử dụng gói thuốc B và C, do đó người nhiễm COVID-19 cần đến trạm y tế khai báo để được quản lý, chăm sóc, theo dõi đúng theo quy định.

Riêng các nhà thuốc, Phó Ban Chỉ đạo đề nghị các đơn vị hãy chờ hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế rồi mới tiến hành phân phối thuốc phục vụ nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang