(CAO) Ngày 8/8, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị Tuyên truyền Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.
Tham dự có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc CATP; Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP; cùng hơn 23.000 đại biểu tại 391 điểm cầu thuộc Thành ủy TP Thủ Đức và các quận ủy, huyện ủy; các sở, ban, ngành TPHCM.
Các đại biểu dự hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc CATP cho biết, Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7. Luật cũng sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay, sửa đổi quy định về thông tin số căn cước. Việc thay đổi, cải tiến tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc dùng căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi căn cước và bảo đảm tính riêng tư.
Việc sử dụng thông tin tích hợp từ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi trong thực hiện giao dịch dân sự, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc CATP phát biểu tại hội nghị
Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan nhà nước cấp; điều này gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng; nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở Việt Nam.
Do vậy, Luật Căn cước quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước là rất cần thiết.
“Quy định này sẽ giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính”, Thiếu tướng Trần Đức Tài nhấn mạnh.
Với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP cho biết, Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7 với mục tiêu xây dựng lực lượng này thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an; phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; bám sát cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân từ xa, từ sớm, biến mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn nhỏ thành không có gì.
Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP phát biểu tại hội nghị
Theo Đại tá Nguyễn Đình Dương, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở làm việc theo chế độ thường trực bảo đảm 24/24. Ban ngày tại điểm làm việc của Tổ bảo vệ ANTT để xử lý công việc; ban đêm ứng trực, tổ chức tuần tra canh gác; Công an cấp xã có trách nhiệm phân công ca làm việc của Tổ bảo vệ ANTT hợp lý, đảm bảo yêu cầu đảm bảo ANTT và sức khỏe của thành viên Tổ bảo vệ ANTT.
Thời gian tới, Đại tá Nguyễn Đình Dương đề nghị lãnh đạo các cấp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuyển chọn, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành Đề án của HĐND TPHCM, bố trí đủ 4.861 Tổ bảo vệ ANTT với 15.031 thành viên, đảm bảo kinh phí hoạt động, nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; đảm bảo trong năm 2024 hoàn thành 100% thành viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được tập huấn. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở…